Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực cải cách vì sự hài lòng của người dân

Khánh Vũ| 07/12/2018 07:10

(HNM) - Năm 2018, với những nỗ lực cải cách hành chính của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, sự hài lòng của người dân khi đến làm các thủ tục hành chính liên quan tới bảo hiểm xã hội đã có bước chuyển biến rõ nét, phấn đấu 100% doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giao dịch hồ sơ điện tử.


Người dân giám sát quá trình giải quyết hồ sơ

Hà Nội là địa phương có số đơn vị và đối tượng tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp rất lớn và biến động hết sức phức tạp, lượng khách giao dịch nhiều, thường xuyên trong tình trạng quá tải. Trước đây, khi thực hiện công việc một cách thủ công, thường xảy ra khiếu nại về việc thất lạc hồ sơ, giải quyết hồ sơ chậm, muộn (tỷ lệ hồ sơ chậm muộn khoảng 20%). Thế nhưng, tình trạng này đã được cải thiện trong năm 2018. Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, công dân quận Thanh Xuân, sau khi đến làm thủ tục nhận chế độ hưu tại BHXH quận chia sẻ: “Thái độ tiếp đón của nhân viên bộ phận “một cửa” tại đây rất niềm nở, cách làm việc khoa học, mạch lạc, ứng dụng công nghệ thông tin tốt, mọi thủ tục đều rất nhanh gọn. Do vậy, thời gian tiếp nhận và giải quyết các thủ tục nhận chế độ hưu trí được thực hiện chỉ trong một buổi sáng”.

Làm thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội. Ảnh: Mạnh Hùng


TP Hà Nội cũng đã đầu tư dự án ứng dụng công nghệ thông tin cho bộ phận "một cửa" tại trụ sở BHXH thành phố và BHXH các quận, huyện, thị xã. Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết: Việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" đã mang lại sự thuận tiện cho người dân, bảo đảm công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, ngăn chặn tình trạng sách nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi công vụ. Người dân có nhu cầu chỉ phải nộp hồ sơ và nhận lại kết quả tại một đầu mối. Ngoài ra, thông qua Cổng thông tin điện tử của BHXH thành phố, người dân có thể theo dõi, giám sát, tra cứu quá trình và kết quả giải quyết hồ sơ của cơ quan BHXH.

Mặt khác, việc áp dụng cơ chế "một cửa" cũng giúp các phòng, bộ phận nghiệp vụ có điều kiện tập trung và chủ động giải quyết công việc thuộc thẩm quyền chuyên môn. Đối với những hồ sơ chậm hạn (chiếm gần 5%) có nguyên nhân chủ yếu là khách quan (hồ sơ giải quyết trợ cấp tuất phải qua khâu xác minh, hồ sơ thanh toán trực tiếp BHYT phải qua giám định đa tuyến, hồ sơ chốt sổ của những đơn vị có nhiều lao động). Với việc công khai, minh bạch quy trình, thủ tục giải quyết các thủ tục, người dân đã dần thông cảm hơn và chia sẻ khó khăn với cơ quan BHXH, không phát sinh khiếu nại.

Rút ngắn thời gian, tiết kiệm nhân lực

Để có được những chuyển biến ấn tượng trong cải cách hành chính, BHXH thành phố đã chủ động xây dựng nhiều giải pháp, sáng kiến. Trong đó, phải kể tới việc BHXH thành phố đã phối hợp với Bưu điện Hà Nội xây dựng kết nối liên thông giữa hệ thống quản lý bưu phẩm của Bưu điện với hệ thống tiếp nhận và trả kết quả “Một cửa điện tử”. Từ khi thực hiện, việc tiếp nhận và quyết toán giữa BHXH thành phố với Bưu điện bảo đảm nhanh chóng và chính xác. Đến nay, 30 quận, huyện, thị xã với 584 xã, phường, thị trấn cũng thực hiện hình thức giao dịch điện tử và chuyển kết quả qua dịch vụ bưu chính, rút ngắn thời gian cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi xuống dưới 2 ngày đối với địa bàn quận và dưới 3 ngày đối với địa bàn huyện.

BHXH TP Hà Nội là đơn vị thí điểm thực hiện giám định BHYT điện tử thông qua Cổng thông tin giám định BHYT, BHXH Việt Nam. Hiện tại, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn thành phố đã thực hiện kết nối và chuyển số liệu thanh toán viện phí BHYT hằng ngày lên cổng tiếp nhận của hệ thống thông tin giám định. Nhờ đó, công tác giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh được nhanh và chính xác hơn, hạn chế việc lạm dụng Quỹ BHYT. Việc kết nối với ngân hàng, kho bạc đã giúp rút ngắn thời gian giao dịch, chờ đợi, tiết kiệm nhân lực, phục vụ kịp thời cho công tác tổng hợp số liệu thu, nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị sử dụng lao động. BHXH thành phố đang phấn đấu thực hiện giao dịch điện tử mức độ 4 về kê khai, thu nộp BHXH, BHYT.

Theo BHXH TP Hà Nội, hiện vẫn còn gần 6% đơn vị chưa thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, gồm các đơn vị hành chính sự nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động có dưới 10 lao động, phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của BHXH thành phố. Khu làm việc tại bộ phận “Một cửa” của BHXH nhiều quận, huyện, thị xã chật hẹp; cơ sở vật chất và trang thiết bị xuống cấp, không tránh khỏi ảnh hưởng đến việc phục vụ người dân. Hệ thống các quy định, quy trình, thủ tục hành chính còn một số vướng mắc do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đồng bộ.

Trong thời gian tới, BHXH TP Hà Nội tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ phận “một cửa” và hoàn thiện phần mềm “một cửa điện tử”, tăng cường công tác giám định trên hệ thống thông tin giám định BHYT; phối hợp với ngành Y tế kiểm soát các chi phí bất hợp lý tại các cơ sở khám, chữa bệnh theo cảnh báo từ hệ thống giám định điện tử, nâng cao chất lượng công tác giám định BHYT. Hết năm 2018, BHXH thành phố kỳ vọng đạt mục tiêu 100% doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT giao dịch hồ sơ điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực cải cách vì sự hài lòng của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.