Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm tốt vai trò phản biện xã hội

Hiền Phương| 20/12/2017 07:10

(HNM) - Năm 2017, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp TP Hà Nội đã tăng cường hoạt động phản biện xã hội. Nổi bật là tổ chức thành công 4 hội nghị phản biện xã hội đối với 5 vấn đề UBND thành phố trình HĐND thành phố tại các kỳ họp. Nhiều nội dung phản biện được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và có ý kiến phản hồi tích cực.


Kênh phản biện quan trọng

Bốn hội nghị phản biện xã hội mà Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tổ chức từ đầu năm 2017 đến nay là phản biện vào tờ trình và dự thảo các nghị quyết: “Một số nội dung chi, mức chi phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”; “Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2021, tầm nhìn đến 2030”; “Quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2017-2018”; “Sửa đổi, bổ sung một số loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố”. MTTQ Việt Nam thành phố còn góp ý kiến vào Dự án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn TP Hà Nội".

Trước mỗi cuộc phản biện, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đều tổ chức khảo sát thực tế tại các địa bàn đặc thù để lắng nghe ý kiến của nhân dân. Cùng với đó là huy động các chuyên gia tư vấn là nhà khoa học, đại diện các tổ chức thành viên tham gia phản biện. Cách làm này đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ví dụ, qua hội nghị phản biện “Quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2017-2018”, các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục khẳng định tờ trình đã dựa trên cơ sở các văn bản pháp lý và thực tiễn đời sống người dân cũng như thực trạng của ngành Giáo dục. Việc ban hành nghị quyết là “cú hích” để công tác giáo dục phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và đúng với nhu cầu của nhân dân, tạo được sự đồng thuận cao.

Các chuyên gia, nhà khoa học cũng khẳng định, dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố về “Sửa đổi, bổ sung một số loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố” là hợp lý. Việc đưa ra các biện pháp để chấn chỉnh, quản lý tốt hơn hoạt động trông giữ xe trên địa bàn thành phố là cần thiết. Ông Vũ Thành Vĩnh, thành viên Hội đồng Tư vấn dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho rằng: “Việc ban hành nghị quyết này là một biện pháp cần thiết để tổ chức thực hiện Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2021, tầm nhìn đến 2030”. Đồng thời đây cũng là biện pháp cần thiết để hạn chế tình trạng tự ý tăng giá trông giữ xe bừa bãi...

Thông qua 4 cuộc phản biện xã hội, nhiều ý kiến của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao; trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp các cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, quản lý, điều hành. 4 nghị quyết này đã được HĐND thành phố thông qua tại các kỳ họp đang triển khai vào cuộc sống. Riêng Dự án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn TP Hà Nội" sẽ được HĐND thành phố xem xét ở thời điểm thích hợp.

Tiếp tục phát huy dân chủ

Thực hiện Quyết định 217-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 về Quy chế giám sát và phản biện xã hội, MTTQ Việt Nam TP Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước ban hành quy chế phối hợp phản biện xã hội với Thường trực HĐND, UBND thành phố. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy dân chủ trong việc tham gia góp ý kiến, phản biện xã hội về những quyết sách của thành phố.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Bùi Anh Tuấn cho biết: Trước mỗi kỳ họp HĐND thành phố, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố căn cứ vào các dự thảo quyết sách, lựa chọn vấn đề để phản biện xã hội, nhất là những dự thảo quyết sách liên quan đến sự phát triển của thành phố, đời sống nhân dân... Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố mời các chuyên gia, các đồng chí nguyên lãnh đạo của Trung ương và Hà Nội cùng các tổ chức thành viên và Ban Thường trực MTTQ Việt Nam các cấp, cơ quan tham mưu, ban chuyên môn của thành phố đến dự và tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị đối với dự thảo quyết sách.

Cùng với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, trong năm 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã đã tổ chức phản biện xã hội được 42 hội nghị, nội dung tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng ở địa phương. Cấp xã, phường, thị trấn tổ chức phản biện xã hội được 500 hội nghị.

Thời gian tới, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ tiếp tục lựa chọn những nội dung, vấn đề phản biện xã hội mà nhân dân quan tâm để xây dựng kế hoạch thực hiện. Mặt trận sẽ nghiên cứu kỹ chương trình phát triển kinh tế - xã hội được HĐND các cấp thông qua, các dự án do UBND các cấp triển khai thực hiện để nắm được thông tin tổ chức phản biện. Đặc biệt, MTTQ Việt Nam thành phố sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tích cực làm tốt việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phản biện xã hội hằng năm; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân nhằm thực hiện tốt công tác này hơn nữa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm tốt vai trò phản biện xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.