Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Dân vận khéo” để tạo sự đồng thuận

Hương Ly| 04/01/2018 07:19

(HNM) - Gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận là “bí quyết” được các tổ dân vận trên địa bàn TP Hà Nội rút ra từ thực tế. Học tập làm theo tư tưởng của Bác về “dân vận khéo”, các tổ dân vận đã có nhiều giải pháp phù hợp với cơ sở, động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đội ngũ cán bộ dân vận tuyên truyền về kiến thức phòng, chống dịch bệnh tới từng nhà dân, góp phần khống chế hiệu quả dịch sốt xuất huyết trên địa bàn quận Đống Đa.


Nhiều mô hình hay, cách làm mới

Thực hiện "dân vận khéo", tạo sự đồng thuận trong nhân dân là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng. Trong bài viết “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật ngày 15-10-1949, Bác đã viết: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho…".

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều mô hình hay, cách làm mới đã được Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị.

Bám sát kế hoạch của Ban Dân vận Thành ủy, qua hoạt động của các tổ dân vận, công tác dân vận cũng đã được các địa phương triển khai với nhiều hình thức phong phú. Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) Nguyễn Đức Thọ cho biết, 11 tổ dân vận tại khu dân cư của phường đều chú trọng tuyên truyền các nhiệm vụ gắn với việc động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị.

Cùng với tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, chấp hành các quy định về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, các tổ dân vận còn tích cực nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh...

Tại quận Tây Hồ, các tổ dân vận không chỉ nắm chắc tình hình thực tế tại địa bàn mà còn xây dựng những mô hình, chuyên đề phù hợp với địa phương. Tổ trưởng Tổ dân vận khu dân cư số 9, phường Thụy Khuê, Trần Văn Hòa cho biết, với mục tiêu “Vận động nhân dân phòng, chống sốt xuất huyết” và ứng phó với dịch bệnh sốt xuất huyết xảy ra trên địa bàn năm 2017, tổ dân vận đã tập trung tuyên truyền về những kiến thức phòng, chống dịch bệnh tới từng nhà dân, qua đó góp phần khống chế hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan.

Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, Ban Dân vận cấp ủy các cấp, 32 tổ dân vận trong các thôn Công giáo tiêu biểu tại 23 xã thuộc 12 huyện trên địa bàn thành phố đã linh hoạt trong việc vận động chức sắc, tín đồ Công giáo tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với nhiều nội dung phong phú.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, các tổ dân vận tại các thôn Công giáo tiêu biểu đã tích cực vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới. Thành viên các tổ dân vận tập trung tuyên truyền, động viên bà con giáo dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều thôn Công giáo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất theo mô hình VAC, cho thu nhập đến 500 triệu đồng/ha/năm. Các làng nghề truyền thống trồng hoa cây cảnh cho thu nhập mỗi hộ từ 200 đến 700 triệu đồng/năm.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân

Đánh giá về công tác dân vận trên địa bàn thành phố, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, qua khảo sát bằng phiếu điều tra về việc xây dựng mô hình "dân vận khéo" của 10 quận, huyện, thị xã; khảo sát thực tế tại 21 mô hình "dân vận khéo" ở 18 quận, huyện, thị xã cho thấy, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã đầu tư xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm mới phát huy hiệu quả tốt tại địa phương, đơn vị...

Nhận xét về hiệu quả của các tổ dân vận, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, các thành viên tổ dân vận đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trên địa bàn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; thường xuyên sâu sát, gần gũi, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; phối hợp với chính quyền tổ chức đối thoại với nhân dân trước khi quyết định các chủ trương lớn của địa phương, góp phần củng cố niềm tin, mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, theo nhận định của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, công tác dân vận ở các thôn, tổ dân phố vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế này đòi hỏi các tổ dân vận phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương.

Để công tác dân vận ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu, các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ cơ cấu tổ chức và cách thức hoạt động, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong các tổ dân vận một cách hợp lý để phát huy hiệu quả các tổ dân vận. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tăng cường bồi dưỡng kỹ năng vận động quần chúng cho các thành viên tổ dân vận; xác định rõ quan điểm công tác dân vận là trách nhiệm của cấp ủy và cả hệ thống chính trị, việc thành lập tổ dân vận là để giúp chi bộ chỉ đạo công tác dân vận hiệu quả hơn…

Đẩy mạnh hoạt động của các tổ dân vận là một trong những giải pháp quan trọng của TP Hà Nội tiếp tục tập trung thực hiện trong thời gian tới nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, từ đó huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Dân vận khéo” để tạo sự đồng thuận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.