Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Đánh giá cán bộ thực chất hơn, giảm dần "bệnh" thành tích, hình thức

B.Hân - Ảnh: Viết Thành| 19/01/2018 15:26

(HNMO) - Chiều 19-1, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, một trong những hoạt động trọng tâm của Ban Thường vụ Thành uỷ là đổi mới công tác đánh giá cán bộ.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, chiều 19-1.


Tham luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo ngành Tổ chức xây dựng Đảng thành phố tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành. Bên cạnh những việc được duy trì thường xuyên, có một số nội dung được tập trung để tháo gỡ những khâu khó, việc mới. Đó là đẩy mạnh đổi mới công tác đánh giá cán bộ.

Sau tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, xác định công tác đánh giá cán bộ là khâu khó, khâu yếu nhất trong công tác cán bộ, vì vậy, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo rà soát các quy định, tiêu chuẩn và ngay sau khi Trung ương ban hành Quy định số 89-QĐ/TƯ quy định khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thì Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quy định số 2898-QĐ/TU về "đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý" theo hướng lượng hoá công việc, lấy chất lượng công việc làm công cụ, thước đo đánh giá chính, đẩy mạnh việc phân cấp đánh giá cán bộ hợp với thực tế của Đảng bộ. Mặc dù mới triển khai, nhưng trong năm 2017, việc đánh giá cán bộ đã đi vào thực chất hơn, bước đầu tạo không khí dân chủ, công khai, giảm dần được bệnh thành tích, hình thức.

Việc đánh giá chất lượng các đảng bộ cấp trên cơ sở được thực hiện toàn diện hơn, đi đúng vào thực chất, hiệu quả hơn.

Hà Nội cũng chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng; hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp; sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Sau 5 tháng triển khai, đã rà soát, thống kê, 82/200 vụ việc nổi cộm, phát sinh được tập trung giải quyết dứt điểm, ổn định tình hình ở một số địa bàn. Qua đó, vị thế, vai trò của tổ chức Đảng được khẳng định và nâng cao.

Chủ động thực hiện nghiêm túc, bài bản, khoa học, khách quan Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, đến nay Ban Thường vụ Thành ủy đã phê duyệt 13 quy định về chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội thành phố; hoàn thành thẩm định 50 đề án vị trí việc làm; UBND thành phố đã phê duyệt đề án vị trí việc làm của tất cả các sở, ban, ngành. Toàn thành phố đã giảm 59 phòng, ban; 39 cấp trưởng phòng, 143 cấp phó phòng; 130 đơn vị sự nghiệp, 29 ban quản lý dự án; gom 3 quỹ vào làm một; các quận, huyện sau sắp xếp giảm 128 đầu mối. Toàn thành phố giảm được 1.267 biên chế (trong đó 282 là công chức và 668 là viên chức).

"Quan trọng hơn là sau sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đã nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị, nâng cao tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, và do làm tốt công tác tuyên truyền vận động, chung tiếng nói, thực hiện tốt chính sách cán bộ nên trong suốt quá trình làm đến nay không có đơn thư khiếu kiện liên quan đến thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ" - đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nêu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Thường vụ Thành ủy cũng nghiêm túc chỉ ra một số khâu còn yếu, hạn chế bất cập cần tập trung chỉ đạo giải quyết. Đó là hệ thống chính trị ở cơ sở, cấp thôn, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn có nơi, có lúc, có địa phương còn hạn chế, bất cập. Nội dung sinh hoạt chi bộ ở các loại hình vẫn còn hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Công tác quản lý cán bộ có nơi, có lúc vẫn còn lỏng lẻo.

Xác định 2018 là năm bản lề trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Thành ủy Hà Nội tập trung thực hiện quyết liệt một số nhóm nhiệm vụ: thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 18-NQ/TƯ, Nghị quyết 19-NQ/TƯ; Nghị quyết số 39-NQ/TƯ; hoàn thành việc sắp xếp đội ngũ cán bộ theo vị trí việc làm; thực hiện việc kiêm nhiệm một số chức danh, hợp nhất một số tổ chức; hoàn thành hợp nhất Trung tâm Bồi dưỡng chính trị vào Ban Tuyên giáo quận, huyện, thị ủy và hoàn thành việc xây dựng quy định về phân cấp quản lý cán bộ cũng như quy định về bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.

Tiếp tục hoàn thiện quy trình, quy chế về công tác cán bộ và quản lý; tăng cường kiểm tra giám sát đội ngũ cán bộ đảng viên và tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; chủ động xây dựng triển khai đề án nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đến năm 2020 và các năm tiếp theo.

Từ thực tiễn của Đảng bộ thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng nêu một số đề xuất, kiến nghị với Ban Tổ chức Trung ương, như sửa đổi, xây dựng hệ thống các văn bản có tính pháp lý, tạo điều kiện cho các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ như sửa đổi, bổ sung quy định số 219, 220, 282-QĐ/TƯ về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các cơ quan tham mưu của tỉnh, thành ủy; quận, huyện ủy; các tổ chức chính trị - xã hội; ban hành quy định về khung quy chế, các quy định về chức năng, nhiệm vụ các loại hình tổ chức cơ sở Đảng, nhất là quan tâm đến các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp sau cổ phần hoá; phê duyệt Đề án vị trí việc làm khối các cơ quan Đảng, đoàn thể...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Đánh giá cán bộ thực chất hơn, giảm dần "bệnh" thành tích, hình thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.