Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không có “vùng cấm” trong chống tham nhũng

Hương Ly| 07/06/2018 07:08

(HNM) - Gần đây, Quy định số 01-QĐ/TƯ quy định trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng đã thêm một lần nữa khẳng định: Không có “vùng cấm” trong lĩnh vực này.

Cử tri cả nước luôn quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Bá Hoạt


Bổ sung quyền hạn chống tham nhũng

Cuối tháng 5 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 26, xem xét, kết luận khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu AVG. Kết luận đã chỉ rõ và đánh giá cụ thể về mức độ sai phạm của các tập thể, cá nhân, được nhân dân, đảng viên đồng tình, ủng hộ...

Không chỉ trường hợp trên, thời gian gần đây, mỗi khi những vi phạm của các tổ chức, cá nhân được làm sáng tỏ, dư luận luôn mong chờ những quyết định xử lý nghiêm minh của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Được ví như “thanh bảo kiếm” của Đảng, những quyết định nghiêm khắc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương không chỉ có sức mạnh răn đe sai phạm mà còn góp phần khẳng định sự tôn nghiêm của kỷ luật Đảng. Quyết định xử lý những tổ chức, cá nhân có sai phạm nghiêm minh và được công bố kịp thời đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng.

Tiếp tục cụ thể hóa chức năng, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra trong bộ máy của Đảng, Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 01-QĐ/TƯ về trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng. Quy định gồm 4 chương, 8 điều quy định trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra từ cấp huyện và tương đương trở lên trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Theo quy định mới ban hành, đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào có dấu hiệu tham nhũng đều phải được xem xét làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Quy định cũng nêu rõ, trong phòng ngừa tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra có 6 trách nhiệm và thẩm quyền,trong đó có thẩm quyền đề nghị cấp ủy cùng cấp; cấp ủy, tổ chức Đảng cấp dưới và các cơ quan nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoặc hủy bỏ các văn bản không còn phù hợp, sơ hở, có nguy cơ làm phát sinh tham nhũng.

Ủy ban Kiểm tra cũng có thẩm quyền thành lập các đoàn kiểm tra đối với các vụ việc trọng điểm, phức tạp; đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt Đảng theo thẩm quyền... với cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tham nhũng. Đặc biệt, Ủy ban Kiểm tra có quyền xử lý hoặc kiến nghị xử lý về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra tham nhũng hoặc bao che tham nhũng.

Nhận xét về Quy định số 01-QĐ/TƯ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng cho rằng, quy định mới đã tổng hợp các vấn đề về hành xử đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng mà trước đây chưa có. Đây là căn cứ để khi tiến hành công việc sẽ không bị cảm tính và không bị cản trở. Đơn cử như khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra có quyền cấm xuất cảnh ngay thay vì phải đề nghị đến cơ quan chức năng và phải chờ cơ quan chức năng đồng ý như trước đây.

Thẩm quyền cao, trách nhiệm càng cao

Theo ông Vũ Quốc Hùng, khi thẩm quyền trao cho Ủy ban Kiểm tra ngày càng cao thì trách nhiệm đi kèm cũng tăng lên. Quy định mới đã xác định rõ để toàn Đảng thực hiện công tác đấu tranh chống tham nhũng. Với tinh thần nghiêm minh, chính xác, kịp thời được nêu tại Quy định số 01-QĐ/TƯ, sẽ không còn “vùng cấm” trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Nhận xét về kết luận nghiêm minh, kịp thời của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về trách nhiệm của tập thể Ban Cán sự đảng và một số lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông trong vụ việc tại AVG, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, quyết định kỷ luật là một minh chứng cụ thể cho quyết tâm siết chặt kỷ luật, đề cao trách nhiệm người đứng đầu của Đảng.

Sự việc này cũng một lần nữa khẳng định, bất cứ cá nhân, tập thể nào không chấp hành kỷ luật Đảng đều phải chịu trách nhiệm trước Đảng và pháp luật của Nhà nước.

“Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương không chỉ chỉ rõ sai phạm của lãnh đạo đương nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông mà của cả lãnh đạo tiền nhiệm trong vụ việc này, qua đó càng thuyết phục tôi về tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước” - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, việc tăng quyền hạn cho Ủy ban Kiểm tra các cấp để có những kiến nghị, đề xuất xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên thật nghiêm minh là dấu hiệu đáng mừng, tiếp nối tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), đặc biệt Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về công tác cán bộ. Quy định số 01-QĐ/TƯ cũng nhấn mạnh tính kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc kiểm soát quyền lực, chống lợi ích nhóm giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 01-QĐ/TƯ nhằm góp phần siết chặt kỷ luật Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn, thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không có “vùng cấm” trong chống tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.