Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy vai trò cựu chiến binh đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”

Theo HÀ THÀNH/QĐND| 01/11/2018 14:46

Trưởng thành từ trong khói lửa chiến tranh và binh nghiệp cách mạng, các tướng lĩnh, cựu chiến binh (CCB) luôn là lực lượng trung thành với Đảng, Nhà nước, là niềm tin, là chỗ dựa cho thế hệ trẻ.


Song cũng chính bởi uy tín, bởi tiếng nói có trọng lượng cao của CCB mà các thế lực phản động đã hết sức nham hiểm tìm mọi cách lợi dụng, kích động, lôi kéo một số CCB vào con đường "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" hòng tạo "ngọn cờ", lái dư luận đi theo những con đường đen tối của chúng. Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của các CCB trong cuộc đấu tranh phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" hết sức quan trọng.

Dạn dày kinh nghiệm vẫn cần cảnh giác

Cùng với sự phát triển của đất nước, các thế hệ CCB luôn giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN); là lực lượng chính trị xã hội trung kiên, luôn xung kích đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình", phòng, chống “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”.

Điều này cũng từng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong lần tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội CCB Việt Nam: “Hội Cựu chiến binh là tổ chức của những người mang bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, đã từng được rèn luyện, thử thách trong khói lửa của cuộc đấu tranh cách mạng và các cuộc kháng chiến của dân tộc, đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Hơn ai hết, mỗi hội viên CCB hiểu rất rõ giá trị của "độc lập, tự do" đã được đổi bằng sự hy sinh, cống hiến của đồng bào, đồng chí và chính bản thân mình trong nhiều thập kỷ đấu tranh gian khổ, ác liệt”.

Thực tế thời gian qua cho thấy các thế lực thù địch không ngừng tìm cách lôi kéo, kích động các CCB thông qua nhiều thủ đoạn tinh vi, như: Nhân danh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, góp ý phản biện xã hội… để tìm cách tạo dựng những “ngọn cờ” gây thanh thế cho các hoạt động của chúng. Những năm vừa qua đã xuất hiện không ít đơn thư, thỉnh nguyện được chúng mạo danh các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp nghỉ hưu để phê phán, nói xấu Đảng, Nhà nước. Chúng còn kích động lập ra các câu lạc bộ, hội, nhóm cựu sĩ quan chống tham nhũng, góp ý cho Đảng, núp bóng sinh hoạt cung cấp thông tin thời sự để tán phát thông tin xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội.

Đặc biệt, chúng lợi dụng một bộ phận cán bộ, sĩ quan nghỉ hưu ít cập nhật thông tin và một số ít nhân vật quân nhân cá biệt bị kỷ luật hoặc có tư tưởng bất mãn để kích động, lôi kéo những người này sang con đường “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”, tham gia các cuộc biểu tình, tuần hành, ký tên các tâm thư, thỉnh nguyện, tham gia các tổ chức phản động… Những người bị lôi kéo tuy chỉ là cá biệt nhưng do thiếu bản lĩnh, có người đã tự loại mình khỏi đội ngũ, không còn xứng đáng, làm tổn hại đến danh dự, hình ảnh thiêng liêng: Bộ đội Cụ Hồ.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã chỉ ra một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đáng cảnh báo mà một bộ phận CCB có thể mắc phải là: “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”.

“Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác”! Câu nói của J.Fucik năm nào vẫn còn nguyên giá trị. Dẫu rằng, tuyệt đại đa số các tướng lĩnh, cán bộ lão thành cách mạng của chúng ta đều trung kiên, bản lĩnh nhưng vì nhiều lý do, trong đó có thể có hạn chế do tiếp cận môi trường internet, rất có thể danh tiếng, uy tín của họ sẽ bị chúng xâm hại bằng những thủ đoạn nham hiểm. Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế, có lúc, có nơi, đã có một vài cán bộ do chủ quan, đơn giản, thiếu thông tin đã nói, viết thiếu chuẩn mực, để lại những hậu quả khôn lường.

Người viết bài này từng có cuộc trao đổi với Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông đã nêu quan điểm: Người chiến sĩ cách mạng cần bày tỏ tiếng nói, bày tỏ chính kiến đúng đắn, kịp thời trước những đòi hỏi của cuộc sống. Nhưng nói cái gì, nói như thế nào, nói nhiều hay ít, nói với ai là điều rất quan trọng. Nếu đơn giản, chủ quan, rất dễ ý kiến của mình sẽ bị kẻ xấu “bóp méo”, có hại cho sự nghiệp cách mạng chung.

Trên thực tế vừa qua, không phải không có người dù từng có vị trí, có danh tiếng trong quân đội và trong xã hội nhưng khi nghỉ hưu bày tỏ chính kiến về một số vấn đề xã hội cụ thể lại chưa tương xứng với “cái tầm” của bản thân, chưa thật sự chín chắn, gây hiệu ứng tiêu cực cho cộng đồng. Với những người đã kinh qua thực tiễn đầy trải nghiệm thì một lời nói, một bài viết đúng đắn, sâu sắc của họ có thể là ánh sáng soi đường quý giá cho muôn người và cho lớp trẻ.

Nhưng một sai lầm, dù là nhỏ có thể tạo ra những hiệu ứng tiêu cực lớn. Và hơn thế, sai lầm ấy có thể nhấn chìm hoặc phá hủy cả những danh hiệu, uy tín nhiều năm xây đắp, làm lu mờ những tên tuổi vang bóng một thời...

Ảnh minh họa/qdnd.vn


Những tiếng nói kiên trung, cương trực

Cách đây ít lâu, chúng tôi từng có dịp làm việc với Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nguyên Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị, người bị kẻ xấu tung ra bức thư mạo chữ ký gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ với nhiều nội dung sai sự thật, dễ làm bạn bè, đồng đội, nhân dân hiểu lầm một vị tướng dạn dày trận mạc nay đã trở cờ, đi theo con đường khác.

Khi biết thông tin, bằng bản lĩnh, dũng khí của người cách mạng, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương kiên quyết phản bác thông tin bịa đặt, đồng thời ở tuổi 95, ông vẫn trực tiếp viết tay lá đơn gửi cơ quan chức năng kiến nghị xử lý kẻ xấu. Lá đơn cùng chữ viết và chữ ký thật của ông là dẫn chứng hùng hồn đập tan luận điệu của kẻ xấu. Không dừng ở đó, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương sau đó rất tích cực hỗ trợ cơ quan chức năng xử lý sự việc và ngăn chặn những âm mưu lôi kéo, kích động khác của kẻ xấu.

Thời gian gần đây, dù đã ở tuổi 92 nhưng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên đại biểu Quốc hội vẫn lập, sử dụng facebook và tích cực lên tiếng bảo vệ đường lối quan điểm của Đảng, bác bỏ những thông tin sai trái. Nói về những hạn chế, bất cập trong xã hội và âm mưu, thủ đoạn lôi kéo của các thế lực thù địch, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết, trải nghiệm của người lính từng vào sinh ra tử đủ cho ông hiểu đâu là chân giá trị của tự do, dân chủ.

Những kẻ nhân danh dân chủ thấy ông hay nói thẳng tưởng có thể lợi dụng để tạo dựng "ngọn cờ", rủ ông đi biểu tình, ông lắc đầu. Họ lại rủ ông ký vào các bản kiến nghị tập thể, ông cũng lắc đầu và cười mà rằng: “Cần gì thì tôi nói thẳng ý kiến cá nhân của tôi với tinh thần đảng viên, việc gì phải ký kết với ai”. Gạ gẫm mãi chẳng được, chúng lại giả chữ ký của ông trong tâm thư.

Nhưng rất kịp thời, ông phản bác ngay với chữ viết tay thông báo bức thư đó là giả mạo! Gần đây, trước hiện tượng có người nói không còn tin vào Đảng, thông báo ra khỏi Đảng, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói: “Chưa bao giờ tôi từ bỏ niềm tin vào Đảng, niềm tin ấy, lý tưởng ấy không bao giờ phai nhạt trong tôi. Có người vì quá bức xúc mà bất mãn. Nhưng tôi nói, bất mãn với Đảng là hỏng. Đảng là tất cả chúng ta chứ không phải chỉ là một vài đồng chí lãnh đạo. Phê bình để Đảng mạnh lên chứ không phải là chống Đảng”.

Những tiếng nói cương trực, kịp thời của các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp nghỉ hưu trước mỗi thông tin xuyên tạc luôn rất có ý nghĩa, có tác dụng định hướng dư luận rất cao.

Vào cuộc bằng uy tín, bản lĩnh và kinh nghiệm

Cách đây ít lâu, khi kẻ xấu xuyên tạc về tình hình bảo vệ chủ quyền Biển Đông, trên mạng xã hội, một số tướng lĩnh, sĩ quan từng tham gia các chiến dịch bảo vệ biển, đảo đã kịp thời lên tiếng, cung cấp thông tin, phản bác các luận điệu sai trái đó.

Tương tự, với những luận điệu xuyên tạc Luật An ninh mạng và Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, bằng góc nhìn của những chuyên gia chính trị-quân sự, nhiều vị tướng đã có các bài viết, phân tích rất xác đáng trên báo chí và mạng xã hội, được dư luận đánh giá cao.

Có lúc, việc đấu tranh chống các quan điểm sai trái được các CCB tổ chức bài bản, thành những phong trào hành động cách mạng. Có thể kể ra dẫn chứng như việc tháng 5-2017, Hội CCB huyện Yên Thành tổ chức hội nghị phản đối linh mục Đặng Hữu Nam quản xứ Phú Yên (xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) vì kích động giáo dân đi tuần hành, biểu tình, lợi dụng các buổi rao giảng trên giáo đường để xuyên tạc, bóp méo lịch sử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hàng triệu người Việt Nam đã không tiếc máu xương, chiến đấu, hy sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.

Hơn 500 CCB đại diện cho hơn 14.000 hội viên Hội CCB huyện Yên Thành thể hiện những bức xúc, quyết liệt lên án và phản đối mưu đồ, hành vi của linh mục Đặng Hữu Nam trong việc phủ nhận thành quả cách mạng của Đảng, của dân tộc và nhân dân ta; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

CCB huyện Yên Thành cũng đã thông qua nghị quyết và yêu cầu: Ông Đặng Hữu Nam phải chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam, dừng ngay mọi hoạt động chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá lịch sử cách mạng; các ban, bộ, ngành Trung ương, Tòa thánh Vatican, Hội đồng Giám mục Việt Nam vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của linh mục; các ngành chức năng cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm linh mục Đặng Hữu Nam trước pháp luật.

Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch vẫn không ngừng lợi dụng, chống phá cách mạng bằng thủ đoạn lôi kéo, kích động các CCB. Vì vậy, hơn lúc nào hết, đội ngũ CCB phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình"; phòng, chống “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”. CCB phải xung kích đi đầu kiên quyết bảo vệ các thành quả của cách mạng, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của chiến lược "diễn biến hòa bình", tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN.

Đặc biệt, thời gian gần đây, các thế lực thù địch tập trung chống phá quân đội, xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Những nội dung trên rất cần sự vào cuộc của các CCB, bằng thông tin, trải nghiệm và bản lĩnh, uy tín của mình kịp thời phản bác và định hướng dư luận.

Các CCB phải nêu cao cảnh giác, không để các phần tử xấu và kẻ địch lợi dụng gây mất đoàn kết nội bộ, vu cáo, bôi nhọ, đả kích Đảng, Nhà nước, quân đội. Thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết", bằng tâm huyết và sự từng trải của mình, CCB cần tiếp tục góp phần giáo dục truyền thống và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thụ kinh nghiệm cho thế hệ trẻ.

Bằng sự gương mẫu của mình, CCB phải làm tốt việc giáo dục con cháu, nêu gương sáng cho lớp trẻ noi theo, tránh những biểu hiện công thần, tự mãn. Hiện nay, phong trào đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái đã và đang thu hút nhiều tầng lớp trong xã hội tham gia, nhất là trên mạng xã hội. Mỗi CCB và các cấp hội CCB trên toàn quốc cần tích cực tham gia đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái trên mạng xã hội, góp phần ổn định tình hình tư tưởng ở địa phương nơi địa bàn cư trú.

Các lực lượng chức năng cần có chủ trương, biện pháp quy tụ và phát huy vai trò của lực lượng CCB, hình thành tiếng nói mạnh mẽ từ những cây cao bóng cả trên cộng đồng mạng, đẩy lùi những làn gió độc, những thông tin xuyên tạc, có hại cho cộng đồng, vì sự bình yên và phát triển của đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai trò cựu chiến binh đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.