Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biểu hiện "lười học lý luận chính trị, nghị quyết" và cách khắc phục

Đại tá, PGS. TS Nguyễn Văn Sáu| 05/11/2018 06:44

(HNM) - Trung ương đã chỉ ra được 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện


Trong đó, Trung ương đã chỉ rõ, một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên đó là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Biểu hiện suy thoái này nguy hiểm không kém các quan điểm phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch - một yếu tố tác động tới sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên. Bởi nhận thức sai lệch có thể hiểu sai, dẫn tới xa rời định hướng lý tưởng, đi ngược hoặc đi chệch con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ lựa chọn. Hơn nữa, do nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị, dẫn đến một số cán bộ, đảng viên học tập mang tính đối phó, chiếu lệ, cốt chỉ để có bằng cấp, để phù hợp với tiêu chuẩn đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại…

Nguyên nhân trước hết là do chính bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện. Ngoài ra, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giảng dạy học tập nghị quyết chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả. Nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới, chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức về tình trạng suy thoái, về những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và những hậu quả gây ra.

Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc học tập lý luận chính trị; học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước càng có vai trò và ý nghĩa quan trọng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”.

Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, lý luận cách mạng ấy, trước hết là lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin là sự tổng kết kinh nghiệm của phong trào công nhân từ trước đến nay của tất cả các nước. Nó là khoa học về các quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội; khoa học về cách mạng của quần chúng bị áp bức và bị bóc lột; khoa học về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở tất cả các nước; khoa học về xây dựng chủ nghĩa cộng sản”. Lý luận cách mạng của Đảng ta còn là tư tưởng Hồ Chí Minh - hệ tư tưởng kết tinh qua quá trình vận dụng sáng tạo và thành công chủ nghĩa Mác - Lênin vào đặc điểm thực tiễn nước ta.

Nhận thức được tầm quan trọng của lý luận chính trị, từ khi ra đời đến nay, nhất là trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, từ lãnh đạo cao cấp đến đội ngũ cán bộ cơ sở; chú trọng đào tạo đội ngũ kế tiếp của Đảng là thanh niên, sinh viên và học sinh.

Đảng ta đã ban hành văn bản quy định về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng, quy định về xác định trình độ lý luận chính trị và nhiều văn bản khác nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; các học viện, nhà trường; hệ thống trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện… luôn có những đổi mới về nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị luôn được đổi mới, cập nhật phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Để khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên có “nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp và cán bộ, đảng viên về học tập lý luận chính trị, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Bởi nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên là cơ sở hàng đầu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghiên cứu lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Hai là, cấp ủy các cấp cần thực hiện nghiêm quy định, chế độ học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghiên cứu lý luận chính trị gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên. Điều đó đã được nêu rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII: “Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên, gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương”.

Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động của mỗi cán bộ, đảng viên trong tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận chính trị. Về vấn đề này, ngày 14-8-2018, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu khai mạc Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, đã nhắc nhở cán bộ, đảng viên: "Có rất nhiều cái phải học và cũng có rất nhiều cách để học. Học ở trường, ở lớp; học trong cuộc sống, học trong công tác; học ở trong nước, ở ngoài nước; học thầy, học bạn; học lẫn nhau; tự nghiên cứu, tự học... Nếu không học thì sẽ lạc hậu, mà lạc hậu sẽ dẫn đến thoái bộ. Bởi vì, thực tiễn luôn luôn vận động; lý luận không ngừng phát triển; đời người là hữu hạn, sự hiểu biết là không cùng!".

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, lấy kết quả học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm thước đo phẩm chất, năng lực, phân loại cán bộ, đảng viên. Đây là một khâu quan trọng trong đổi mới phương thức học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng; giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm đối chiếu, so sánh kết quả đã đạt được với mục tiêu, yêu cầu đã xác định. Tiêu chí chung là phải bảo đảm thực chất, khách quan, hiệu quả.

Năm là, đối với các địa phương, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cần gắn với khảo sát nhu cầu, vị trí công việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tích cực khuyến khích và sử dụng cơ chế gắn đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị với việc thực hiện các nội dung về quản lý cán bộ, đảng viên. Quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên và báo cáo viên giáo dục lý luận chính trị, có bản lĩnh chính trị vững vàng, sắc bén về lý luận, am hiểu thực tế, kịp thời đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ mới. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cần hướng tới hình thành tư duy lý luận khoa học, củng cố niềm tin, tránh giáo điều.

Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên là việc làm cần thiết, cấp bách để làm cho cán bộ, đảng viên tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biểu hiện "lười học lý luận chính trị, nghị quyết" và cách khắc phục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.