Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vợ chồng thầy giáo ứng dụng thực tế ảo 4D trong dạy vật lý, hóa học

Mi Nguyễn| 07/11/2018 16:05

Trăn trở trước tình trạng học trò không có phòng thí nghiệm để trải nghiệm, quan sát các hiện tượng vật lý, vợ chồng thầy giáo Nguyễn Quốc Huy và Nguyễn Thị Hồng Nhung đã đồng lòng tạo ra công trình “Ứng dụng thực tế ảo 4D trong dạy học vật lý, hóa học”.

Thầy Nguyễn Quốc Huy, 34 tuổi, khoa vật lý Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là gương mặt quen thuộc của chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục. Thầy Huy đã xuất sắc giành giải thưởng tiêu biểu của Tri thức trẻ vì giáo dục 2016 với công trình “Thiết kế, chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới phần cảm ứng điện từ để sử dụng trong dạy học vật lý ở trường phổ thông". Sau khi nhận giải thưởng 100 triệu đồng từ chương trình, thầy Huy cùng vợ là chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) tiếp tục nghiên cứu công trình mới.

Công trình “Ứng dụng thực tại ảo 4D trong dạy học vật lý, hóa học” là một trong số 15 công trình được chọn vào vòng chung kết Tri thức trẻ vì giáo dục 2018.


Chia sẻ về lý do bắt đầu công trình mới này, thầy Quốc Huy nói: “Nhiều hiện tượng vật lí không thể quan sát bằng mắt thường mà cần phải có sự trợ giúp của các máy móc hiện đại, đắt tiền, cồng kềnh. Các thiết bị này hầu như chỉ có ở các phòng thí nghiệm lớn của các nước phát triển. Do vậy, nhằm giúp học sinh tiếp thu các kiến thức vật lý, hóa học một cách trực quan hơn, chúng tôi sử dụng công nghệ VR (Virtual Reality - thực tế ảo) và AR (Augmented Reality - thực tế tăng cường) để lập trình mô phỏng các kiến thức vật lý và hóa học trên nền của thực tại”.

Với công trình này, khi một chiếc smartphone có cài đặt ứng dụng mô phỏng bất kì quét một mảnh giấy in kí hiệu nguyên tử thì mô phỏng cấu tạo nguyên tử đó sẽ diễn ra sống động ngay trong không gian. Giáo viên và học sinh có thể dễ dàng xoay mảnh giấy kí hiệu theo các góc khác nhau để quan sát kĩ hơn về cấu tạo nguyên tử. Điều này cũng áp dụng tương tự cho các phản ứng hóa học.

Để xây dựng công trình này, thầy Huy cùng vợ mất khoảng một năm trời. Hiện nay, vợ chồng thầy giáo trẻ đã xây dựng được cơ sở dữ liệu của 25 mô phỏng (10 mô phỏng cấu tạo của nguyên tố trong bảng tuần hoàn, 5 mô phỏng phản ứng hóa học, 10 mô phỏng phản ứng hạt nhân) để sử dụng trong dạy học vật lí và hóa học.

Thầy Huy cho biết khi thực nghiệm mô hình này ở nhiều nơi, các em học sinh và giáo viên đều rất hứng thú. Về giá thành, thầy giáo trẻ cho rằng so với các thiết bị thí nghiệm truyền thống thì công trình này có giá thành rẻ hơn rất nhiều, giá dự kiến là 500.000 đồng có thể cài cho 5 máy điện thoại hoặc máy quét khác nhau.

Công trình “Ứng dụng thực tế ảo 4D trong dạy học vật lý, hóa học” là một trong số 15 công trình được chọn vào vòng chung kết Tri thức trẻ vì giáo dục 2018. Dự kiến, vào chung khảo sẽ diễn ra vào ngày 9-11 tại Hà Nội với sự đánh giá của hội đồng chung khảo uy tín.

Hội đồng chung khảo Tri thức trẻ vì giáo dục 2018


Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục 2018 do Trung ương Đoàn phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức nhằm khuyến khích các trí thức trẻ dưới 35 tuổi đóng góp cho ngành giáo dục. Đại diện ban tổ chức, ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long cho biết, năm nay, Trí thức trẻ vì giáo dục đã nhận 401 công trình, sáng kiến của 400 tác giả, nhóm tác giả từ 60 tỉnh/thành khắp cả nước. Điều này đã phần nào thể hiện sức hút của chương trình với đối tượng trí thức trẻ. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vợ chồng thầy giáo ứng dụng thực tế ảo 4D trong dạy vật lý, hóa học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.