Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vận tải hành khách công cộng bộc lộ nhiều hạn chế

Hà Phạm| 04/12/2015 13:14

(HNMO) – Sáng 4-12, tại TP Hồ Chí Minh, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh phối hợp với báo SGGP tổ chức Hội thảo “Bàn về các giải pháp để phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt trên địa bàn TP”.

Hệ thống VTHKCC TP Hồ Chí Minh chưa đáp ứng kỳ vọng.


Theo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, hệ thống xe buýt TP được phục hồi và phát triển từ năm 2002, khối lượng vận chuyển đã tăng hơn 10 lần (tăng từ 36 triệu lượt hành khách/năm 2002 lên hơn 366 triệu lượt hành khách/năm 2014) và chất lượng dịch vụ cũng được cải thiện đáng kể thông qua chủ trương về chính sách trợ giá và dự án đầu tư thay thế 1.318 xe buýt mới trong giai đoạn 2002-2005.

Thế nhưng, qua chặng đường hơn 12 năm phục hồi và phát triển, hệ thống VTHKCC bằng xe buýt đang bảo hòa và hành khách đi lại bắt đầu có xu hướng giảm dần qua các năm gần đây, do chất lượng dịch vụ không đảm bảo. Nguyên nhân chính là tính tiện lợi và độ tin cậy (thời gian đi và đến từng trạm) chưa cao.

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC trong năm 2013 đến 5.761 trường hợp mất chuyến, đến năm 2014 xảy ra 5.724 trường hợp mất chuyến và trong 11 tháng đầu năm 2015 đã xảy ra đến 7.925 trường hợp mất chuyến, mà nguyên nhân chủ do tình hình ùn tắc giao thông, xe buýt về bến trễ hơn so với thời gian dự kiến.

Trong khi đó, ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh cho hay, trong 3 năm qua số lượng người đi xe buýt liên tục giảm, giảm khá sâu. Cụ thể, năm 2013 có đến 300 ngàn người đi xe buýt, sang năm 2014 còn 281 ngàn người, nhưng sang năm nay, dự kiến giảm sâu tức còn 264 ngàn người đi xe buýt.

Tương tự, lãnh đạo Công ty xe khách Sài Gòn cho biết, số lượng hành khách sử dụng xe buýt 11 tháng đầu năm 2015 giảm 13% so với cùng kỳ năm 2014. Một trong những nguyên nhân quan trọng là thời gian chuyến đi của hành khách ngày càng bị kéo dài.

Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP cho biết, vào các giờ cao điểm sáng, trưa, chiều thường xuyên xảy ra ùn ứ nên xe buýt về bến trễ từ 15 phút đến 20 phút. Khi có mưa lớn thì thời gian về bến của xe buýt từ 40 phút trở lên. Tính đến nay, toàn Liên hiệp có khoảng trên 2.000 chuyến xe bị huỷ (mất chuyến, bỏ chuyến) so với kế hoạch, hầu hết các tuyến xe buýt đều không hoàn thành sản lượng được giao trong tình hình hiện nay, chỉ đạt tỷ lệ ở mức 85% đến 90%.

Còn theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, ĐH Bách Khoa TP nhận định, hệ thống xe bus ở TP Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 6,5% so với nhu cầu đi lại. Với quy hoạch và hệ thống vận tải công cộng hiện có, đến năm 2020 đạt các kế hoạch sẽ rất khó thực hiện.

Ông Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP cho rằng, để gia tăng tỷ trọng hành khách đi lại bằng xe buýt, bên cạnh các giải pháp đầu tư cho xe buýt, cần quyết liệt triển khai các giải pháp hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân, đặc biệt lưu ý nhiều hơn đến xe máy. Mặt khác, cần lồng ghép chương trình chỉnh trang đô thị trong việc thực hiện chính sách giảm xe cá nhân, tăng tỷ lệ các chung cư cao tầng, qua đó tạo không gian, mở thêm luồng tuyến mới, gia tăng VTHKCC bằng xe buýt.  

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vận tải hành khách công cộng bộc lộ nhiều hạn chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.