Theo dõi Báo Hànộimới trên

Minh bạch hóa Quỹ bảo trì đường bộ

Tuấn Khải| 27/05/2016 05:51

(HNM) - Bộ GT-VT đang yêu cầu cơ quan quản lý Quỹ bảo trì trường bộ phải bảo đảm tính minh bạch trong thu - chi. Người dân biết đồng tiền của mình đóng vào quỹ được sử dụng như thế nào...

Sử dụng công nghệ cào bóc tái chế bảo trì đường bộ.


Xóa bỏ cơ chế xin - cho

Từ năm 2013 trở về trước, công tác sửa chữa, bảo trì các công trình đường bộ 100% vốn nhà nước được thực hiện theo kế hoạch đặt hàng và giao hằng năm. Dựa trên cơ sở định mức cho một kilômét đường nhân với tổng số kilômét đường được giao quản lý, bảo dưỡng sẽ ra số tiền đơn vị đó được nhận hằng năm. Thông thường, việc nghiệm thu đánh giá chất lượng bảo trì được thực hiện mỗi quý một lần. Trong khi đó, quan hệ giữa các công ty quản lý sửa chữa đường bộ với các Khu quản lý đường bộ là cấp trên cấp dưới nên có nhiều hạn chế. Theo ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ BTĐB (Tổng cục Đường bộ Việt Nam - ĐBVN), doanh nghiệp quản lý đường bộ khi đó vừa làm chức năng quản lý nhà nước vừa làm nhà thầu thi công nên các chức năng, nhiệm vụ không được tách bạch. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, kiểm soát khối lượng rất khó do không có tiêu chí chất lượng và không có chế tài xử lý. Chính điều đó đã khiến cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ luôn trong tình trạng xuống cấp, lại không được sửa chữa kịp thời.

Thực hiện đề án đổi mới toàn diện công tác BTĐB, từ năm 2014 Tổng cục ĐBVN đã triển khai đấu thầu tất cả các tuyến đường bộ. Toàn bộ các công việc như tuần đường, bảo dưỡng sửa chữa, trực bão lũ… đều trở thành dịch vụ công ích để tổ chức đấu thầu. Cơ quan nhà nước chỉ thực hiện công tác quản lý, giám sát. Toàn bộ 22 công ty chuyên quản lý, sửa chữa đường bộ 100% vốn nhà nước trước đây trực thuộc Tổng cục ĐBVN đã được chuyển giao về các Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông. Đấu thầu công khai đã giúp xóa bỏ cơ chế xin - cho. Để thắng thầu, các doanh nghiệp phải có thiết bị, công nghệ bảo trì hiện đại và bảo đảm chất lượng tốt với mức giá cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp khác. Ông Lê Hồng Điệp cho biết, qua các cuộc đấu thầu, giá trúng thầu đã giảm 5-10%, thậm chí giảm tới 30%. Đề án đổi mới toàn diện công tác BTĐB đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GT-VT là xã hội hóa những lĩnh vực mà Nhà nước không cần làm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực, đầu tư trang thiết bị, nhân lực…

Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, từ khi Quỹ BTĐB ra đời cách đây 3 năm, ngành đường bộ có một quỹ rất ổn định cho công tác sửa chữa đường bộ, từ đó đường sá tốt lên rất nhiều, nhất là đối với 21.000km đường quốc lộ. Trước đây vốn dành cho duy tu, bảo dưỡng đường bộ nhiều nhất cũng chỉ được 3.000 tỷ đồng, nay con số này đã tăng gấp ba lần. Chất lượng hạ tầng tốt lên trong khi nguồn vốn đầu tư cho bảo trì được tiết giảm đáng kể.

Thu bao nhiêu, chi thế nào?


Theo Hội đồng Quỹ BTĐB trung ương, 4 tháng đầu năm 2016, các phương tiện đã nộp phí BTĐB thông qua các trạm đăng kiểm đạt hơn 1.854 tỷ đồng/6.240 tỷ đồng (đạt 29,72% so với kế hoạch thu cả năm 2016). Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, từ nguồn vốn này, Tổng cục đã tổ chức quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hơn 21.000km đường quốc lộ và 730km đường cao tốc, 5.869 cầu, 5 hầm đường bộ và 8 phà (đạt 33% khối lượng cần bảo dưỡng của năm 2016). Các công trình hạ tầng được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, kịp thời đã êm thuận hơn, an toàn hơn. Thời gian qua, Tổng cục đã công khai đường dây nóng về BTĐB. Từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 34 tin nhắn phản ánh về chất lượng giao thông để giải quyết những bức xúc của nhân dân. Đối với những tuyến đường địa phương, Tổng cục đều có văn bản yêu cầu các sở GT-VT địa phương có biện pháp khắc phục kịp thời.

Các cơ quan chức năng đánh giá, tiền chi vào sửa chữa tập trung hiện đã đấu thầu 100% khối lượng công việc. Qua đấu thầu đã tiết kiệm được nguồn vốn dành cho công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Các đơn vị trúng thầu đa dạng, sau đấu thầu có giảm giá, bước đầu dần minh bạch, công khai hóa nguồn vốn đóng góp của người dân.

Để Quỹ BTĐB hoạt động tốt hơn trong thời gian tới, Bộ trưởng GT-VT Trương Quang Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ BTĐB nhấn mạnh, công tác sửa chữa, BTĐB phải lưu ý đến chất lượng và tính kịp thời của việc duy tu, bảo dưỡng. Nếu không được đầu tư, sửa chữa kịp thời thì sự đầu tư sửa chữa sẽ từ nhỏ thành lớn. Các cơ quan liên quan phải bảo đảm tính minh bạch trong việc thu chi và phải cho người dân biết đồng tiền của mình đóng vào quỹ được sử dụng như thế nào...

Trước những ý kiến cho rằng đang có tình trạng phí chồng phí vì các xe đã phải nộp phí BTĐB nhưng khi chạy trên một số tuyến đường BOT vẫn phải nộp phí, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Quỹ BTĐB không sử dụng cho các dự án BOT. Phương tiện đi vào đường BOT thì phải trả phí. Hiện cả nước có khoảng 50 trạm thu phí, trong đó số phí thu qua các trạm BOT chỉ chiếm khoảng 1/10 so với số thu tại các trạm…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch hóa Quỹ bảo trì đường bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.