Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: Siết chặt an toàn du lịch đường thủy nội địa

Hà Phạm| 11/06/2016 08:07

(HNM) - Vụ chìm tàu Thảo Vân 2 trên Sông Hàn (Đà Nẵng) vừa qua khiến vấn đề an toàn trong du lịch bằng đường thủy trở thành mối quan tâm của các địa phương cũng như cả xã hội. Là địa phương có hoạt động du lịch bằng đường thủy phong phú, TP Hồ Chí Minh phải siết chặt hơn nữa hoạt động này, nhất là vào mùa mưa.

Du lịch đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh cần siết chặt công tác quản lý để bảo đảm an toàn khi chở khách.


Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 10 doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường thủy với hơn 70 phương tiện đưa đón khách. Còn Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh thông tin, thành phố có 5 tuyến du lịch đường thủy nội địa (ĐTNĐ) xuất phát từ trung tâm thành phố về khu vực Quận 7, 8, 9, huyện Cần Giờ và Củ Chi, với tổng chiều dài hơn 200km. Các tuyến này hiện có 33 bến khách ngang sông, phục vụ nhu cầu du khách đi tham quan TP Hồ Chí Minh bằng đường thủy.

Theo ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh), trên các tuyến du lịch ĐTNĐ này hiện có khoảng 5 cây cầu không đạt tiêu chuẩn về tĩnh không thông thuyền theo quy định, trong đó, có những cây cầu tĩnh không thông thuyền thấp hơn 0,5m so với quy định. Hạn chế trên kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch đường thủy và đặt ra vấn đề bảo đảm an toàn cho du khách. Do đó, Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh luôn chủ động siết chặt các quy định về an toàn ĐTNĐ. Cụ thể, mới đây, Cục ĐTNĐ Việt Nam phối hợp với Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh ra quân đồng loạt kiểm tra các bến tàu khách trọng điểm nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Qua kiểm tra, ngoài việc phát hiện tình trạng một số hành khách không chấp hành quy định, cố lên tàu khi phương tiện đã chở đủ số người quy định, còn có những bất cập trong công tác quản lý. Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang gây khó khăn cho công tác quản lý. Chẳng hạn sổ, giấy chứng nhận, chứng chỉ thuyền viên khi tàu đến bến, cảng quy định chủ phương tiện được quyền tự khai báo thuyền viên và người lái. Do đó, khi kiểm tra, Cục ĐTNĐ Việt Nam chỉ kiểm tra trên sổ sách, giấy tờ thuyền viên đã khai báo trước đó nên không thể xác minh, kiểm soát được thuyền viên có thực sự đi tàu đó không.

Về vấn đề an toàn khi hoạt động tàu du lịch đường thủy, theo ông Ngô Đình Quang, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ TP Hồ Chí Minh cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Theo quy định, hành khách đi ngang sông bắt buộc phải mặc áo phao, trong khi, đối với các tuyến du lịch ĐTNĐ lại chỉ khuyến khích hành khách mặc áo phao. Để siết chặt quy định về an toàn ĐTNĐ, Cảng vụ ĐTNĐ TP Hồ Chí Minh luôn quy định bắt buộc hành khách phải mặc áo phao trước khi lên tàu du lịch và tuyệt đối phải bảo đảm chở đúng số lượng người quy định. Đồng thời, Cảng vụ ĐTNĐ quy định rất chặt chẽ yêu cầu xuất bến nhằm bảo đảm an toàn đường thủy ví như nếu trời mưa gió tuyệt đối không cho tàu, thuyền xuất bến.

Về phía doanh nghiệp kinh doanh du lịch, ông Nguyễn Văn Mỹ (Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt) cho rằng, vấn đề an toàn du lịch ĐTNĐ luôn là bài học nóng hổi. An toàn phải được xem như tiêu chí hàng đầu. Tuy nhiên, ngoài chuyện ý thức của hành khách chưa cao như không thích mặc áo phao, không trang bị các kiến thức về an toàn du lịch đường thủy, không có khả năng "tự cứu" khi gặp nạn…, thì vấn đề đáng lưu tâm nữa là các doanh nghiệp du lịch còn thờ ơ với việc bảo đảm an toàn khi chở khách.

"Các tàu du lịch cần xem lại cách đặt áo phao để nếu có sự cố hành khách có thể lấy áo nhanh và thuận lợi nhất; một số vì lợi ích kinh doanh nên chở quá số lượng người quy định; thiếu các hướng dẫn an toàn cho hành khách…", ông Mỹ chỉ ra các bất cập. Về phía Nhà nước, cần có ngay quy trình bắt buộc về an toàn đường thủy từ cấp quản lý, chủ phương tiện, lái tàu cho tới hành khách; thực hiện nghiêm túc và xử phạt nghiêm minh. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Siết chặt an toàn du lịch đường thủy nội địa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.