Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh phát triển hệ thống cao tốc Bắc - Nam

Tuấn Khải| 22/07/2016 06:21

(HNM) - Đẩy mạnh phát triển hệ thống đường bộ cao tốc Việt Nam, tập trung đến năm 2020 hoàn thành cơ bản tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ tạo tiền đề để xây dựng các tuyến đường cao tốc khác, hiện thực được mục tiêu năm 2020 đạt và vượt 2.000km cao tốc đã đề ra.


Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Anh Tuấn


Yêu cầu cấp thiết

Theo Bộ trưởng Bộ GT-VT Trương Quang Nghĩa, để đáp ứng nhu cầu vận tải của tuyến đường bộ Bắc - Nam, đồng thời từng bước giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, Chính phủ đã đầu tư mở rộng quốc lộ (QL) 1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ lên 4 làn xe, hoàn thành năm 2015. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và phương tiện vận tải, áp lực về giao thông lên QL1 vẫn lớn. Vì vậy, việc đầu tư và phát triển hệ thống đường bộ cao tốc là yêu cầu cấp thiết, đặc biệt với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, tuyến cao tốc phía Đông sẽ đi theo hướng QL1 và song song với QL1, còn phía Tây sẽ đi theo hướng đường Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GT-VT) cho biết, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 1.814km đi theo hướng QL1 với điểm đầu tại Pháp Vân (Hà Nội), điểm cuối tại TP Cần Thơ. Hiện, đã có một số đoạn ngắn được đưa vào khai thác với tổng chiều dài 171km, gồm: Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình; TP Hồ Chí Minh - Trung Lương; TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Những đoạn đang thi công dài 302km, gồm La Sơn - Túy Loan; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Bến Lức - Long Thành; Trung Lương - Mỹ Thuận. Để thông tuyến cao tốc Bắc - Nam cần tiếp tục xây dựng 1.315km, trong đó đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh là 1.291km. Ngoài ra, những đoạn đang triển khai thi công (tổng chiều dài 302km) gồm: La Sơn - Túy Loan, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận. Những đoạn cao tốc trên sẽ được kết nối với nhau tạo thành tuyến cao tốc Bắc - Nam hoàn chỉnh.

Thu hút các nguồn lực xã hội

Đẩy mạnh tiến độ thực hiện và chuẩn bị các dự án đường cao tốc, trong đó đặc biệt là tuyến Bắc - Nam là nhiệm vụ được Chính phủ và Bộ GT-VT đặc biệt quan tâm. Trong đó, cần có cơ chế đột phá về vốn, đa dạng hóa hình thức đầu tư để huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước. Để có thể hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam, theo Bộ GT-VT cần khoảng 236.000 tỷ đồng. Tại cuộc họp nghe báo cáo về đề án nói trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, đây là việc không thể trì hoãn. Vì vậy, cần có sự quan tâm đầu tư thích đáng nhằm tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông đô thị, trong đó đẩy mạnh phát triển hệ thống đường bộ cao tốc, tập trung đến năm 2020 hoàn thành cơ bản tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đây sẽ là tiền đề để xây dựng các tuyến đường cao tốc khác, qua đó hiện thực được mục tiêu năm 2020 đạt và vượt 2.000km cao tốc đã đề ra.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, ngân sách nhà nước cần bố trí thỏa đáng để tạo động lực thu hút các nguồn lực xã hội, bảo đảm nguồn vốn từ xã hội phải lớn hơn nguồn vốn từ ngân sách. Bộ Tài chính tính toán để đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn của Nhà nước, bảo đảm thời gian thu phí, mức phí hợp lý, đồng thời tạo sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư. Bộ GT-VT chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan tính toán tổng mức đầu tư từng dự án, kiểm soát chất lượng các dự án, xây dựng các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, đồng thời hoàn thiện đề án tổng thể chi tiết. Sau đó gửi các bộ liên quan để cụ thể hóa từng vấn đề, trong đó có mục tiêu, sự cần thiết, quy mô, cơ chế huy động nguồn lực…

Đề cập cơ chế và nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống cao tốc Bắc - Nam, một số chuyên gia kiến nghị, từ kinh nghiệm của quá trình đầu tư hàng loạt tuyến cao tốc trong giai đoạn vừa qua như Hải Phòng - Hà Nội, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai…, Bộ GT-VT và các nhà đầu tư có thể chuyển nhượng các dự án đã hoàn thành lấy tiền đầu tư các công trình mới. Đây được coi là giải pháp khá tiềm năng. Ngoài ra có thể áp dụng cơ chế sử dụng đất đai hai bên đường của các tuyến cao tốc để phát triển với phương châm lấy hạ tầng nuôi hạ tầng. Đặc biệt là có thể liên danh, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào những dự án hạ tầng giao thông nhất là đường cao tốc. Cách làm này sẽ bảo đảm nguồn vốn từ xã hội lớn hơn nguồn vốn từ ngân sách theo đúng yêu cầu của Chính phủ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh phát triển hệ thống cao tốc Bắc - Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.