Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loại bỏ nạn bảo kê, lộn xộn

Tuấn Lương| 14/10/2016 07:36

(HNM) - Chủ trương chuyển tuyến vận tải khách cố định trên quốc lộ (QL) 5 Hà Nội - Hải Phòng thành tuyến xe buýt liên tỉnh đang được Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các địa phương triển khai thực hiện được kỳ vọng sẽ góp phần loại bỏ nạn bảo kê và sự lộn xộn, tùy tiện của các nhà xe cũng như hành khách.

Xe dừng đỗ sai quy định để đón khách trên tuyến quốc lộ 5.


"Điểm nóng" vận tải hành khách liên tỉnh

Nhiều năm nay, tuyến vận tải khách Hà Nội - Hải Phòng luôn là "điểm nóng" trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông: Hành khách tùy tiện đón xe ở bất kể chỗ nào trên tuyến QL5. Những chiếc xe chạy hết tốc lực, tạt đầu xe khác, ép xe hãng khác để tranh giành khách, trở thành nguyên nhân gây ùn tắc và tai nạn giao thông. Thậm chí, đã xảy ra tình trạng một số DN vận tải còn thuê cả các đối tượng "đầu gấu, bảo kê" để dằn mặt các nhà xe nhỏ hơn và hành hung cán bộ, nhân viên của các cơ quan quản lý nhà nước, gây bức xúc trong dư luận.

Ồng Bùi Văn Minh (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, từ Bến xe Gia Lâm đi Hải Phòng và ngược lại có nhiều nhà xe, nhưng hầu hết các xe đều dừng đỗ, đón trả khách tùy tiện. Từ trong bến xuất phát thì chạy "rùa bò" nhưng cứ ra đến QL5 lại chạy hết tốc lực rồi phanh gấp vào sát lề đường mỗi khi có khách vẫy xe. Mỗi lần như vậy không chỉ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, mà còn khiến hành khách trên xe có cảm giác chóng mặt, say xe...

Tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh Hà Nội - Hải Phòng hiện có 12 DN tham gia, với khoảng 250 xe, tần suất 372 chuyến/ngày. Trong đó, Bến xe Gia Lâm có 4 DN, tần suất 160 chuyến/ngày, Bến xe Yên Nghĩa 60 chuyến/ngày, Bến xe Nước Ngầm 60 chuyến/ngày, Bến xe Giáp Bát 40 chuyến/ngày...

Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân của tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN vận tải trên tuyến là do lượng xe khai thác nhiều, hệ số khai thác sử dụng thực tế không quá 50%, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu; công tác quản lý, điều hành của một số DN vận tải không theo mô hình tập trung, buông lỏng quản lý, chạy theo lợi nhuận...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và ổn định hoạt động kinh doanh vận tải, tạo sự yên tâm, an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông trên tuyến này. Mới nhất, vào cuối tháng 7-2016, Thủ tướng đã ký công điện yêu cầu Bộ GT-VT tổ chức rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết tuyến vận tải khách cố định bằng xe ô tô giữa Hà Nội - Hải Phòng, trong đó xác định rõ lộ trình, các điểm đón trả khách dọc tuyến; tổng số chuyến xe trong ngày và tần suất tối đa trong các giờ cao điểm; giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương trên tuyến rà soát, lên danh sách các đối tượng hình sự, kịp thời phát hiện các băng nhóm có dấu hiệu "bảo kê", có hành vi gây rối, đe dọa, cố ý gây thương tích cho lái xe, phụ xe...

Thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GT-VT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang khẩn trương hoàn thiện đề án thí điểm chuyển tuyến vận tải khách liên tỉnh cố định Hà Nội - Hải Phòng thành tuyến buýt; phối hợp cùng các địa phương khảo sát dọc tuyến, qua đó đã xác định 35 vị trí cần bố trí điểm dừng đón khách tuyến cố định. Trong đó, đoạn qua Hải Phòng cần 8 điểm (5 điểm bên phải, 3 điểm bên trái tuyến), đoạn qua địa bàn Hải Dương cần 16 điểm (9 điểm bên phải, 7 điểm bên trái) và Hưng Yên 11 điểm (5 bên phải, 6 bên trái); hoàn thành việc cắm biển dừng đón trả khách trên tuyến. Kinh phí để thực hiện việc cắm biển bằng nguồn xã hội hóa, do các DN vận tải tự nguyện đóng góp. Riêng với đoạn qua địa bàn Hà Nội, mặt bằng để bố trí điểm dừng đón trả khách rất khó khăn, do bên phải tuyến chạy song song với đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, bên trái tuyến tập trung dân cư sinh sống, kinh doanh nên vị trí bố trí điểm dừng đón, trả khách vẫn đang được nghiên cứu cho phù hợp.

Đại diện Sở GT-VT các địa phương dọc tuyến QL5 khẳng định ủng hộ việc chuyển đổi vận tải khách liên tỉnh trên tuyến QL5 thành tuyến buýt và cho rằng chủ trương phù hợp và khắc phục được những phức tạp lâu nay. Việc chuyển đổi mô hình này lợi cho cả DN và cơ quan quản lý nhà nước. Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Thương mại vận tải và dịch vụ Đất Cảng cho rằng, tuyến Hà Nội - Hải Phòng có lượng khách đi lại rất lớn, khoảng hơn 10.000 lượt/ngày. Vì vậy, nếu ở nội thành, cứ mỗi 5km và ngoại thành 10km có một điểm dừng đón trả khách sẽ không chỉ lập lại được trật tự trên tuyến, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN vận tải. Khi có các điểm đỗ quy định, người dân sẽ biết được vị trí cụ thể, giờ xe chạy để đón xe thay vì chỗ nào cũng đứng đón. Cách làm này còn giúp cơ quan quản lý nắm rõ lộ trình của phương tiện, xe nào đi không đúng lộ trình sẽ dễ phát hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loại bỏ nạn bảo kê, lộn xộn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.