Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý xe “dù”, bến “cóc”: Cần quy trách nhiệm rõ ràng

Tuấn Lương| 06/04/2017 06:54

(HNM) - Thời gian qua, lực lượng chức năng đã có những giải pháp quyết liệt, tổ chức chốt trực, giám sát nên tình trạng xe “dù”, bến

Một điểm đón, trả khách thường xuyên của các nhà xe trên Đại lộ Thăng Long (khu vực đối diện Trung tâm Hội nghị quốc gia). Ảnh: Anh Tuấn


Giải tỏa hàng loạt bến “cóc”

Khu vực trước cửa tòa nhà Thăng Long Number one (số 1 Khuất Duy Tiến) đã từng là một bến "cóc" nổi tiếng với phương thức hoạt động khá bài bản. Một số nhà xe chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Bình từ Bến xe Yên Nghĩa hoặc từ Bến xe Mỹ Đình ngang nhiên dừng đỗ ở đây để đón khách, trả khách. Một số nhà xe như Anh Huy, Đất Cảng còn có nhân viên trực tại bến “cóc” này để thu gom khách. Tuy nhiên, từ khi lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý và duy trì lực lượng giám sát, chốt trực thì vi phạm đã chấm dứt.

Đây là một trong 17 bến “cóc” gây bức xúc trong dư luận đã được các lực lượng chức năng giải tỏa triệt để trong các đợt cao điểm ra quân xử lý trong quý I-2017. Năm 2016, đã có 13 bến “cóc” hình thành tại các khu vực đất trống, đất chờ dự án xung quanh khu vực Bến xe Mỹ Đình và Bến xe Nước Ngầm bị giải tỏa. Cùng bị xử lý trong quý I-2017 còn có các bến “cóc” tại lô đất D4 phố Trương Công Giai (quận Cầu Giấy); Khu văn hóa nghệ thuật Mai Dịch phố Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy); phía trước nhà C3, tập thể Thanh Xuân Bắc trên đường Khuất Duy Tiến là Văn phòng đại điện Công ty CP Vận tải Thanh Xuân; số 462 Quang Trung (quận Hà Đông) là Văn phòng của Công ty TNHH Bình An; nút giao Kim Đồng - Giải Phóng và khu vực ngã ba Pháp Vân (quận Hoàng Mai). Ngoài ra một số bến “cóc” tại quận Bắc Từ Liêm như khu vực cây xăng trên đường Nguyễn Hoàng Tôn; ngã tư Đỗ Nhuận - Phạm Văn Đồng; trước cửa Đại học Sư phạm Ngoại ngữ - đường Phạm Văn Đồng đến nay cũng đã buộc phải chấm dứt hoạt động.

Ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) Hà Nội cho biết, riêng trong quý I-2017, cùng với giải tỏa triệt để 17 bến “cóc”, Thanh tra Sở đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 1.985 trường hợp vi phạm, đặc biệt là các trường hợp dừng đỗ đón trả khách sai quy định, phạt tiền gần 2,5 tỷ đồng, tạm giữ 36 phương tiện và tước giấy phép lái xe đối với 393 trường hợp, tước phù hiệu 70 trường hợp... Riêng với loại hình xe hợp đồng, Thanh tra Sở đã xử phạt 116 trường hợp đón trả khách sai quy định; 232 trường hợp dừng đỗ sai quy định; 71 trường hợp không có hợp đồng vận chuyển hành khách... Đây chính là loại hình vận tải đang được cho là “lách” luật để hoạt động như xe khách trá hình, sử dụng chính văn phòng đại diện để làm điểm tập kết khách (một dạng bến “cóc”) gây phức tạp trong quản lý hoạt động vận tải hành khách.

Tiếp tục nhiệm vụ khó khăn

Lực lượng chức năng xử lý xe khách vi phạm trên đường Phạm Hùng. Ảnh: Lương Ninh Giang


Dù UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt và các lực lượng chức năng của thành phố, chính quyền địa phương đã ráo riết xử lý vi phạm, song ông Trần Đăng Hải cũng thừa nhận, chống xe “dù”, bến “cóc”, xe hợp đồng hoạt động trá hình xe khách liên tỉnh là một “cuộc chiến” khó khăn. Lực lượng chức năng mỏng còn các đối tượng vi phạm lại luôn có những thủ đoạn tinh vi để đối phó. Điểm này bị giải tỏa thì doanh nghiệp lại tìm điểm khác, trong khi không ít người dân vẫn tiện đâu đi đấy thay vì vào bến.

Hoặc cứ vắng bóng lực lượng chốt trực thì xe “dù” bến “cóc” lại “xuất hiện”. Với xe hợp đồng, dù hoạt động trá hình xe khách nhưng lực lượng chức năng cũng chỉ có thể xử phạt đối với các lỗi dừng đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định hoặc vận chuyển hành khách mà không có hợp đồng. Ngoài kiến nghị Bộ GT-VT sửa đổi quy định theo hướng siết chặt hoạt động của loại hình xe hợp đồng, Thanh tra Sở kiến nghị thành phố lắp đặt camera tại các “điểm nóng” để giám sát xe “dù”, bến “cóc”, làm cơ sở phạt “nguội”.

Ông Nguyễn Tuyển, Phó Trưởng phòng Vận tải Sở GT-VT Hà Nội cho rằng, hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý vận tải còn có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, tạo kẽ hở để doanh nghiệp, chủ phương tiện và lái xe lợi dụng khiến việc xử lý vi phạm gặp khó khăn. Đáng nói là ý thức chấp hành pháp luật của một số đơn vị vận tải, lái xe và một bộ phận hành khách chưa cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng có lúc, có nơi còn thiếu quyết liệt, không được thường xuyên, chưa quy được trách nhiệm rõ ràng khi để xảy ra tình trạng xe “dù”, bến “cóc”.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả trong xử lý xe “dù”, bến “cóc”, cần xây dựng quy chế để làm rõ trách nhiệm của các lực lượng như cảnh sát giao thông, thanh tra GT-VT, chính quyền địa phương. Cụ thể, nếu để tồn tại, phát sinh, tái diễn xe “dù”, bến “cóc” trên địa bàn quản lý thì các cơ quan, lực lượng trên sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với vai trò, chức phận của mình. Bên cạnh đó, “Chế tài xử lý xe “dù”, bến “cóc” hiện chưa đủ sức răn đe, đặc biệt trong hoạt động kinh doanh vận tải xe hợp đồng, xe du lịch.

Một số đơn vị đã “lách” Nghị định 86/NĐ-CP bằng cách đầu tư xe dưới 10 chỗ ngồi núp bóng xe hợp đồng để không phải báo cáo về Sở GT-VT. Việc nghiên cứu sửa đổi Nghị định 86/NĐ-CP đang được thực hiện rất cần bổ sung là xe từ trên 7 chỗ ngồi chở khách theo hợp đồng vẫn phải báo cáo danh sách, bởi thực tế người dân không kinh doanh thì rất hiếm khi dùng xe trên 7 chỗ ngồi phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình” - ông Nguyễn Tuyển nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý xe “dù”, bến “cóc”: Cần quy trách nhiệm rõ ràng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.