Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý phương tiện vi phạm bị thu giữ: Linh hoạt để tránh lãng phí

Thành Tâm| 10/04/2017 07:14

(HNM) - Số phương tiện, tang vật bị thu giữ đang có xu hướng tăng nhanh, khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn...

Điểm trông giữ phương tiện vi phạm trên đường Giải Phóng chật cứng các loại xe.


Quá tải phương tiện bị tạm giữ

Theo quy định của pháp luật, trong một số trường hợp vi phạm hành chính trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, cơ quan chức năng được phép thu giữ phương tiện. Điều 34, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi đua xe trái phép là ngoài việc bị phạt tiền, còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu phương tiện. Điều 78 của Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định, để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm được quy định cụ thể trong Nghị định. Trong bối cảnh vi phạm Luật Giao thông đường bộ còn diễn ra khá phổ biến nên tại Hà Nội, lượng phương tiện phải tạm thu giữ rất lớn. Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội) cho biết, năm 2016, đơn vị đã tạm giữ 1.796 ô tô, 18.945 mô tô, 871 xe ba bánh, hơn 1.000 xe máy điện, 391 xe thô sơ, xích lô. Cũng trong năm qua, các tổ công tác 141 đã thu giữ gần 400 mô tô, xe máy. Nếu tính khoảng thời gian 5 năm vừa qua thì lực lượng 141 đã thu giữ hơn 1.000 mô tô, xe máy…

Sau khi bị tạm giữ phương tiện để phục vụ công tác xử lý vi phạm, hầu hết các chủ phương tiện đã đến trụ sở Cảnh sát giao thông để làm thủ tục nộp phạt, nhận lại phương tiện, giấy tờ. Song, cũng có trường hợp "bỏ của chạy lấy người". Nguyên nhân được chỉ ra là một số hành vi vi phạm phải chịu mức xử phạt khá cao. Bên cạnh đó, chủ phương tiện phải chịu mọi chi phí cho việc lưu giữ nên người vi phạm sẵn sàng từ bỏ trách nhiệm nhất là khi giá trị phương tiện không cao. Trong nhiều trường hợp, phương tiện thuộc diện mua đi bán lại nhiều lần, không đủ giấy tờ hợp pháp, chủ xe cũng sẵn sàng bỏ. Được biết, hầu hết phương tiện bị lực lượng 141 thu giữ, đều có dấu hiệu liên quan đến hành vi vi phạm có tính chất hình sự nên người vi phạm đương nhiên không có ý định quay lại cơ quan chức năng nộp phạt, nhận lại xe…

Những nguyên nhân trên dẫn đến thực trạng là các bãi trông giữ phương tiện vi phạm ngày càng đầy lên. Các đơn vị trông giữ phương tiện loại này cũng khó thu lợi nhuận cao nên thường không đầu tư xây dựng đầy đủ tường bao, mái che bảo vệ. Ô tô, xe máy, trong đó không ít loại đắt tiền, đành phải dầm mưa dãi nắng, thực sự gây lãng phí tài sản xã hội…

Cần cơ chế phù hợp

Cũng theo quy định của pháp luật, đối với những phương tiện giao thông vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, khi bị tạm giữ, người vi phạm đến giải quyết sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt, có đầy đủ giấy tờ chứng minh chủ sở hữu hợp pháp thì sẽ được cơ quan tạm giữ trả lại phương tiện. Những trường hợp không đến giải quyết, cơ quan chức năng sẽ tiến hành các thủ tục xác minh chủ sở hữu, phương tiện tạm giữ có nằm trong dữ liệu vật chứng mà cơ quan chức năng đang truy tìm hay không. Sau khi triển khai các thủ tục trên, nếu không còn vướng mắc pháp lý (không xác định được chủ sở hữu, không phải là tang vật vụ án…), cơ quan chức năng sẽ tiến hành các thủ tục theo quy định để tịch thu sung quỹ nhà nước.

Quy định ngắn gọn như vậy nhưng thực tế thực hiện lại không đơn giản. Chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông cho biết, để có thể đấu giá và sung quỹ số phương tiện “vô chủ”, quá trình tiến hành xác minh rất mất thời gian. Mỗi trường hợp thời gian xác minh nhanh thì một tháng, lâu thì tới nửa năm. Ngoài ra, một số phương tiện chỉ có giá trị như bán sắt vụn, dù không đủ điều kiện kỹ thuật để tham gia giao thông, nhưng về luật, vẫn phải tiến hành đầy đủ các bước thủ tục...

Để giải quyết thực trạng trên, rất cần cơ chế phù hợp cho việc xử lý phương tiện vi phạm “vô thừa nhận”. Chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội nêu quan điểm, với loại tài sản này, để tránh lãng phí thời gian và của cải, với phương tiện còn có thể sử dụng lưu hành thì sẽ bán đấu giá; đối với những phương tiện không thể tiếp tục sử dụng, xe ba bánh tự chế không thể đăng ký đăng kiểm, thì nên bán sắt vụn… Ngoài ra, để giải quyết tình trạng tồn đọng của phương tiện vi phạm hành chính “vô chủ”, cần có sự tham gia tích cực của các sở, ngành, đơn vị liên quan chứ không chỉ riêng cơ quan công an. Hành lang pháp lý phải hướng tới mục tiêu “thông thoáng”, từ thành lập hội đồng bán đấu giá hoặc thanh lý đến việc định giá phải nhanh gọn, chuyên nghiệp…

Năm 2016, Cảnh sát giao thông Hà Nội đã làm thủ tục tiến hành thanh lý 1.991 phương tiện vi phạm giao thông mà chủ phương tiện không đến giải quyết hoặc không thuộc diện được trả; tịch thu, tiêu hủy 342 xe ba bánh.

Hiện, riêng Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đang trông giữ hơn 2.000 phương tiện vi phạm không có người nhận. Trên toàn địa bàn Hà Nội, ước tính, số phương tiện vi phạm bị thu giữ “vô thừa nhận” lên đến hàng vạn chiếc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý phương tiện vi phạm bị thu giữ: Linh hoạt để tránh lãng phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.