Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bỏ xe máy cũ nát - Khó cũng phải làm

Tuấn Lương| 23/06/2017 07:14

(HNM) - UBND TP Hà Nội vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề nghị đưa ra rào cản kỹ thuật về tiêu chuẩn mức khí thải để giảm thiểu và loại bỏ xe mô tô, xe gắn máy cũ nát tham gia giao thông, góp phần giảm ùn tắc, ô nhiễm trên địa bàn Thủ đô.


Theo nghiên cứu về chất lượng không khí Việt Nam do Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh GreenID thực hiện, chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2017, số ngày chất lượng không khí ở mức “rất có hại cho sức khỏe” gia tăng so với cùng kỳ năm 2016. Chỉ số ô nhiễm môi trường không khí AQI trung bình của thành phố là 123 (ở mức kém), làm hạn chế chất lượng cuộc sống, giảm khả năng thu hút đầu tư, ảnh hưởng đến phát triển du lịch... Trong đó, ô nhiễm không khí trong đô thị chủ yếu do hoạt động của các loại xe cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chiếm 70 - 90%.

Hiện nay, xe mô tô, xe gắn máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong thành phố. Đây là nguồn thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm. Theo thống kê, tại Hà Nội hiện có trên 5,25 triệu xe máy, 10.686 xe máy điện và 4.367 xe mô tô 3, 4 bánh tự chế (không được cấp đăng ký). Trong đó, có gần 1/2 số lượng xe máy đã sử dụng lâu năm, nhiều xe sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ trước vẫn tham gia giao thông.

Xe máy cũ không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật cũng là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn. Kết quả nghiên cứu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, xe máy mới từ 1 đến 5 năm, có mức độ tai nạn ít nghiêm trọng hơn so với xe máy sử dụng trên 10 năm.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho rằng, việc ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với mô tô, xe gắn máy là cần thiết và cấp bách. Trong Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 25-1-2017 của Văn phòng Chính phủ về giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, yêu cầu Hà Nội trước mắt rà soát và có cơ chế chính sách để xử lý các phương tiện xe máy quá niên hạn sử dụng để bảo đảm an toàn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường. Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã đề xuất cơ chế chính sách quản lý, thu hồi xe mô tô, xe gắn máy thông qua việc kiểm soát khí thải.

Theo dự kiến, từ năm 2017 đến ngày 30-6-2018, Hà Nội sẽ hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe mô tô, xe gắn máy. Từ ngày 1-7-2018 đến ngày 31-12-2019, kiểm tra khí thải đối với xe mô tô loại có dung tích xy lanh từ 175cm3 trở lên; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất phương án tiếp theo; thu hồi những phương tiện cũ nát. Sau năm 2020, tổ chức kiểm tra, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện; phát triển hệ thống, mạng lưới các cơ sở kiểm tra khí thải theo phương án đề xuất; tiếp tục thu hồi những xe không bảo đảm tiêu chuẩn.

Tuy ủng hộ chủ trương này, song một số chuyên gia nhận định, hiện hành lang pháp lý đang rất thiếu, chỉ nỗ lực của riêng Hà Nội sẽ là không đủ. Chính phủ cần sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến kiểm tra khí thải xe mô tô, xe máy; bổ sung vào Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng xe mô tô, xe gắn máy vi phạm quy định về kiểm soát khí thải; xử lý vi phạm quy định này theo hướng kết hợp với xử lý các hành vi vi phạm khác. Bộ Tài chính xây dựng cơ chế hỗ trợ để có thể mua lại phương tiện cũ hoặc kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe máy thực hiện chương trình đổi xe cũ lấy xe mới, trong đó có hỗ trợ tài chính cho người dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bỏ xe máy cũ nát - Khó cũng phải làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.