Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư BOT các dự án cầu qua sông Hồng, sông Đuống là thích hợp

Hưng Thịnh| 12/09/2017 16:35

(HNMO)- Đó là khẳng định của ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vào chiều nay (12-9), tại buổi giao ban báo chí định kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức...


Ông Vũ Duy Tuấn cho biết, theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg, ngày 31-3-2016, trong giai đoạn 2016-2030 sẽ xây dựng mới các cầu qua sông Hồng, sông Đuống đoạn trên địa bàn Hà Nội, gồm: 10 cầu qua sông Hồng (Việt Trì - Ba Vì, Vân Phúc - Hồng Hà, Thượng Cát, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Ngọc Hồi, Mễ Trì, Phú Xuyên); 4 cầu qua sông Đuống (Đuống 2, Ngọc Thụy, Giang Biên, Mai Lâm).

Hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đã thực hiện các cầu, gồm: Dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; Dự án xây dựng cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh; Dự án xây dựng hầm - cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng; Dự án xây dựng cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu; Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2).

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn trả lời câu hỏi của các phóng viên


Tại buổi giao ban báo chí, một số phóng viên đặt cầu hỏi, tại sao UBND thành phố chọn hình thức đầu tư BOT đối các dự án xây dựng cầu đang thực hiện, mà không chọn hình thức đầu tư khác? Ông Vũ Duy Tuấn cho biết, thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo cần tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực của xã hội trong đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng xã hội, nhằm giảm thiểu tới mức tối đa “nợ công”, nên UBND thành phố Hà Nội đã chọn hình thức BOT để huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng 5 dự án xây dựng nêu trên. Theo khái toán tổng vốn đầu tư 5 dự án cầu lên đến hơn 38.000 tỷ đồng. Bởi vậy, có thể nói, lựa chọn hình thức đầu tư BOT của UBND thành phố Hà Nội là thích hợp trong thời điểm hiện nay, bởi nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói riêng và vùng lân cận nói chung là rất cấp thiết; trong khi đó, Chính phủ chỉ đạo tiết giảm đầu tư công.

Trước sự nghi ngại của dư luận về tính minh bạch của hình thức đầu tư BOT dành cho các dự án xây dựng cầu nêu trên, ông Vũ Duy Tuấn khẳng định, UBND thành phố Hà Nội tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về các bước thực hiện đầu tư theo hình thức này… Bên cạnh đó, cũng tính toán kỹ lưỡng và tuân thủ nghiêm Luật Đê điều và các quy định khác của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư BOT các dự án cầu qua sông Hồng, sông Đuống là thích hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.