Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: “Số hóa” quản lý giao thông

Tuấn Lương| 26/10/2017 06:34

(HNM) - “Số hóa” công tác quản lý và điều hành, xây dựng giao thông thông minh là mục tiêu, đồng thời cũng là giải pháp đang được TP Hà Nội tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Ảnh: TIẾN TUẤN


Những tiện ích đầu tiên

Đầu tháng 5-2017, Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội lần đầu tiên thí điểm mô hình tìm kiếm điểm đỗ xe và thu phí tự động qua điện thoại (iParking) trên hai tuyến phố Hai Bà Trưng và Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm). Những ngày đầu, nhân viên trông giữ xe phải trực tiếp cài đặt ứng dụng trên thiết bị cho khách và hướng dẫn họ cách sử dụng. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, đến nay, nhiều người cho biết, việc tìm kiếm chỗ đỗ xe và thanh toán tiền rất dễ dàng, giá cả hợp lý. Mô hình iParking đã được mở rộng ra một số tuyến phố khác. Hiện nay, công ty đang phối hợp với các cơ quan liên quan nhân rộng tại toàn bộ các điểm đỗ xe có thu phí trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa.

Cùng với iParking, mới đây, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã khai trương Trung tâm Điều hành xe buýt thông minh và phần mềm timbuyt.vn trên thiết bị di động. Tại Trung tâm Điều hành, các thông tin về vị trí xe, tình trạng vận hành, tình trạng ùn tắc giao thông được phân tích, giúp nhân viên đưa ra quyết định điều hành tối ưu, bảo đảm cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Đó chỉ là những tiện ích đầu tiên mà giao thông thông minh mang lại nhằm nâng cao năng lực phục vụ nhân dân, đồng thời thuận tiện hơn cho công tác quản lý, điều hành. Về lâu dài, nhu cầu phát triển của Thủ đô và mỗi người dân đòi hỏi một hệ thống giao thông thông minh tổng thể với các ứng dụng đa dạng và thân thiện hơn với người dùng.

Đó là những thông tin theo thời gian thực về tuyến đường, khuyến nghị lựa chọn hành trình khác phù hợp; thông tin về tuyến xe khách liên tỉnh cùng bến xe, giờ xuất phát, tiện ích đặt vé thanh toán... chỉ qua vài thao tác đơn giản trên điện thoại di động có kết nối internet. Hoặc tới đây, khi Hà Nội có thêm loại hình đường sắt đô thị, cùng với xe buýt thường và buýt nhanh BRT, từng bước tạo thành mạng lưới vận tải công cộng liên hoàn, thì hành khách sẽ chỉ cần một thẻ vé thông minh đã nạp sẵn tiền là có thể sử dụng mọi loại phương tiện...

Ông Tô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, bên cạnh các giải pháp về giao thông thì giải pháp cơ bản và dài hơi vẫn là phải tổ chức phát triển đô thị cân đối, đồng bộ, bảo đảm hài hòa giữa dân cư - việc làm - dịch vụ trong từng khu vực của thành phố, từ đó làm nhu cầu đi lại và phân bố các dòng giao thông phù hợp với kết cấu hạ tầng thực tế.


Nhiệm vụ rõ ràng,lộ trình cụ thể

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho biết, trong Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030" đã xác định giải pháp ứng dụng khoa học - công nghệ là một trong những giải pháp quan trọng, với lộ trình thực hiện ngay trong giai đoạn 2017-2020.

Việc xây dựng hạ tầng giao thông thông minh trong tổng thể đề án thành phố thông minh được tập trung vào những nội dung, như: Xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và các phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh, điều hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm giao thông (dự kiến hoàn thiện vào tháng 1-2019); xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng điểm đỗ xe nhằm tối ưu nhu cầu đỗ xe (dự kiến hoàn thiện vào tháng 12-2019); nghiên cứu ứng dụng các thiết bị đầu cuối bảo đảm việc thực hiện kết nối giao thông thông minh giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân được hiệu quả (dự kiến hoàn thiện tháng 12-2019); nghiên cứu ban hành các quy định nhằm khuyến khích thu hút đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, BRT, tàu điện một ray, xe buýt... bằng hình thức hợp tác công tư (PPP - dự kiến hoàn thiện tháng 12-2018)... Rất nhiều nhiệm vụ trong số đó đang được UBND TP Hà Nội cùng các sở, ngành quyết liệt triển khai, cụ thể hóa.

"Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030" là một đề án lớn, nếu thực hiện thành công sẽ tạo sức bật thực sự, góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt đô thị và từng bước cải thiện đời sống của nhân dân Thủ đô. Vì vậy, để đề án thực hiện thành công, đòi hỏi một quyết tâm rất lớn và xuyên suốt của các cấp, ngành, cùng với sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: “Số hóa” quản lý giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.