Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liều "vắc xin" hữu hiệu

Tuấn Lương| 16/12/2017 07:23

(HNM) - Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe gắn máy đã thực sự là liều

Giảm tỷ lệ thương vong

Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cho biết, sau 10 năm triển khai quy định, đến nay, tỷ lệ người dân chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đã đạt hơn 90%, góp phần quan trọng kéo giảm số người tử vong vì tai nạn giao thông xuống dưới con số 9.000 người mỗi năm như hiện nay. Đồng thời, giúp hạn chế những thương tích nặng, đặc biệt là những ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông đối với người đi mô tô, xe gắn máy.

Người tham gia giao thông ngày càng có ý thức chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe gắn máy. Ảnh: Lê Hiếu


Báo cáo khảo sát độc lập của Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (AIP) và Quỹ của Hiệp hội Ô tô quốc tế (FIA) qua đánh giá số liệu được thu thập tại Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Hải Dương cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân bị tổn thương não nghiêm trọng đã giảm từ 21% năm 2007 xuống còn 13,6% vào năm 2016. Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhận định, từ khi bắt buộc đội mũ bảo hiểm, tình hình ATGT đã có chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ đội mũ bảo hiểm đã tăng từ 30% lên trên 90%. Quy định đội mũ bảo hiểm đã ngăn ngừa 29.000 trường hợp chấn thương sọ não, tiết kiệm 31 triệu USD có thể thiệt hại do tai nạn, giảm 2.200 người chết chỉ trong vòng 1 năm sau khi thực hiện quy định. Điều này đã khẳng định chính sách trên đúng đắn, góp phần quan trọng bảo vệ cuộc sống của người dân.

"Câu chuyện mũ bảo hiểm ở Việt Nam là một minh chứng điển hình cho sức mạnh đoàn kết, đồng lòng của các cấp chính quyền, các tổ chức phi chính phủ, các cá nhân, đoàn thể chung tay vì một mục tiêu tốt đẹp" - ông Greig Graft, Chủ tịch AIP phát biểu.

Tiếp tục giải pháp cấp bách kết hợp chiến lược lâu dài

Bên cạnh những kết quả tích cực nói trên, Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cũng nhìn nhận, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em hiện còn thấp, ở mức 35-40%. Bên cạnh đó, vấn đề sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng, mũ giả vẫn còn rất phổ biến. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp cấp bách nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm trong thời gian tiếp theo.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, nguyên Bộ trưởng Bộ GT-VT, nguyên Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, người đã "đứng mũi chịu sào" khi quyết liệt triển khai quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy từ những ngày đầu chia sẻ, đây là quyết định khó khăn và gặp nhiều chông gai khi triển khai. Thế nhưng, thực tế chứng minh điều đó hoàn toàn đúng đắn, góp phần làm giảm hàng nghìn người chết và bị thương mỗi năm do tai nạn giao thông. Song, để hiệu quả hơn nữa thì cần tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, để người dân thấy rằng đội mũ bảo hiểm kém chất lượng, không đạt chuẩn, khi xảy ra tai nạn cũng nguy hiểm không kém việc không đội mũ.

Cũng theo ông Hồ Nghĩa Dũng, đội mũ bảo hiểm là giải pháp tốt giúp giảm thương vong do tai nạn giao thông, nhưng về lâu dài, không thể kéo dài tình trạng các đô thị lớn tràn ngập xe máy, mà phải dần thay thế bằng phát triển giao thông công cộng. Không thể đợi đến khi hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng mới hạn chế xe máy, mà phải làm từng bước, đi đôi với phát triển hạ tầng, giao thông công cộng, phát triển giao thông thông minh. "Tôi ủng hộ các thành phố lớn như Hà Nội triển khai việc hạn chế xe máy, nhưng trước hết phải làm cho cộng đồng nhận thức và chia sẻ với cơ quan quản lý nhà nước. Bản thân mỗi người vì lợi ích chung của cộng đồng, hy sinh một phần lợi ích cá nhân để thay đổi thói quen đi lại, sẽ góp phần làm nên thành công" - ông Hồ Nghĩa Dũng chia sẻ.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an cho biết, thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông các tỉnh, thành phố sẽ mở các đợt cao điểm ra quân, tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách tại các tuyến giao thông nông thôn, đường liên huyện, liên xã, các địa bàn vùng sâu, vùng xa; tăng cường kiểm tra trong các dịp nghỉ lễ, Tết dài ngày. Cùng với đó, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị Ủy ban ATGT quốc gia đẩy mạnh xã hội hóa cấp, tặng mũ bảo hiểm cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, tập trung vào trẻ em, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn. Ngoài ra, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trong quản lý và sử dụng mũ bảo hiểm cũng như ngăn chặn việc sản xuất và lưu hành mũ bảo hiểm không đạt chuẩn...

Tạo điều kiện cho học sinh cập nhật kiến thức về an toàn giao thông

(HNM) - Ngày 15-12, tại cuộc họp báo về việc triển khai cuộc thi “Giao thông học đường” năm học 2017-2018, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đây là lần thứ ba Bộ phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức cuộc thi này nhằm tạo điều kiện để học sinh tiếp cận với kiến thức về an toàn giao thông, văn hóa giao thông, kỹ năng nhận biết về tình huống giao thông nguy hiểm và cách phòng, tránh tai nạn giao thông...

Cuộc thi dành cho học sinh cấp THCS và THPT, được triển khai từ tháng 12-2017 đến tháng 5-2018. Thí sinh tự tạo tài khoản và dự thi online trên website: http://giaothonghocduong.com.vn. Đề thi được chia theo từng cấp học, trong đó có các câu hỏi về văn hóa giao thông, Luật Giao thông đường bộ và câu hỏi tình huống dạng video.


Minh Khang

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Liều "vắc xin" hữu hiệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.