Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ khó cho hợp tác xã vận tải

Ngọc Quỳnh| 05/02/2018 07:16

(HNM) - Thời gian qua, nhiều hợp tác xã vận tải chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 mở rộng dịch vụ ngành nghề, tăng thu nhập.


Hoạt động của nhiều hợp tác xã vận tải chưa đạt hiệu quả cao. Ảnh: Tuấn Bùi


Hiện, cả nước có 783 hợp tác xã vận tải, trong đó 758 hợp tác xã đang hoạt động, 9 hợp tác xã đang làm thủ tục giải thể, 16 hợp tác xã ngừng hoạt động. Toàn ngành có 758 hợp tác xã đăng ký, chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, đạt 90%. Hiện nay, Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục đôn đốc Sở Giao thông - Vận tải hướng dẫn thực hiện việc chuyển đổi của các hợp tác xã. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hợp tác xã hoạt động trên danh nghĩa, hoặc có những hợp tác xã không có tài sản chung. Nhiều hợp tác xã trong lĩnh vực này vẫn gặp những khó khăn do thiếu vốn để bảo hành hoặc thay thế xe cũ, diện tích bãi đậu xe còn nhỏ, sự cạnh tranh với các phương tiện vận tải hoạt động ngoài luồng cao… Đây chính là nguyên nhân khiến cho phần lớn hợp tác xã không tiếp cận được cách thức quản lý hiện đại, tiên tiến; không tập trung xây dựng thương hiệu, hoạt động chủ yếu dựa vào lượng nhỏ khách hàng quen thuộc hoặc các đầu mối hàng hóa nhỏ lẻ mang tính mùa vụ...

Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội Nguyễn Tiến Phong: Hiện toàn thành phố có 59 hợp tác xã vận tải (chiếm 3,8% tổng số hợp tác xã toàn thành phố). Nhìn chung, hiệu quả hoạt động của nhiều hợp tác xã vận tải không cao; còn lúng túng trong định hướng hoạt động và đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã với thành viên; vốn ít, doanh thu thấp nên hiệu quả thấp; một số hoạt động hình thức và đơn vị vận tải thành lập chủ yếu vẫn là cung cấp dịch vụ vận tải, chưa quan tâm đào tạo, tập huấn cho người lao động...

Về vấn đề này, ông Nguyễn Phi Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Kinh doanh thương mại tổng hợp Dương Liễu (huyện Hoài Đức) cho hay: Hiện hợp tác xã có hơn chục xe loại 34 chỗ và 7 chỗ đã được Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa bằng đường bộ và vận chuyển hành khách bằng ô tô. Song hoạt động của hợp tác xã còn khó khăn do chưa được ưu đãi về thuế mà vẫn chịu thuế như các doanh nghiệp lớn. Thành viên hợp tác xã đông nhưng vốn góp thấp nên khó có điều kiện đầu tư, mở rộng ngành nghề kinh doanh. Bên cạnh đó, do mới tham gia hoạt động vận tải, chưa có nhiều khách hàng, nên đơn vị khó cạnh tranh với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khác.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo kiến nghị: Để tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã vận tải, thời gian tới, cần nghiên cứu, xem xét một số chính sách như giảm thuế đối với khu vực hợp tác xã kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó có vận tải, ưu đãi về vốn để những đơn vị này có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay của Chính phủ đầu tư sản xuất kinh doanh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vận động phát triển hợp tác xã vận tải hỗn hợp vừa tổ chức sản xuất tập trung, vừa làm các dịch vụ cho thành viên. Về lâu dài, các hợp tác xã vận tải phát triển nhiều ngành nghề, dịch vụ đa dạng như: Sửa chữa cơ khí, cung ứng xăng dầu, vật tư, thiết bị, bến bãi, luồng tuyến... phục vụ thành viên và xã hội. Để các hợp tác xã vận tải và thành viên chấp hành, thực hiện đúng các quy định về thuế, trong đó có việc thực hiện các quy định về hóa đơn, cơ quan thuế cần tổ chức lớp tập huấn về thuế cho các hợp tác xã và thành viên...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó cho hợp tác xã vận tải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.