Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đột phá để "hút" khách

Gia Bảo| 23/02/2018 07:00

(HNM) - Năm 2018, hoạt động vận tải hành khách công cộng TP Hồ Chí Minh phấn đấu đạt khối lượng vận chuyển 635 triệu lượt khách, trong đó, vận chuyển bằng xe buýt là 335 triệu lượt khách.


Để vực dậy hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), TP Hồ Chí Minh chủ động thực hiện một loạt giải pháp nhằm “kéo” người dân tham gia đi lại trên phương tiện chủ lực là xe buýt, qua đó, giảm ùn tắc giao thông, áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông đô thị. Cụ thể là điều chỉnh 191 đoạn lộ trình của 74 tuyến xe buýt nhằm tăng khả năng phục vụ của loại hình phương tiện này; xây dựng trạm xe buýt Bến Thành trên đường Hàm Nghi với quy mô và kiểu dáng mới, trang bị thiết bị hiện đại, cung cấp thông tin trực tuyến cho hành khách; lắp đặt bảng thông tin xe buýt trực tuyến; thay thế mới gần 400 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG và gần 300 xe sàn thấp có thiết bị hỗ trợ người khuyết tật; đưa vào hoạt động trung tâm điều hành xe buýt...

Tuy nhiên, hoạt động VTHKCC thành phố vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Điển hình là kế hoạch thay mới 1.680 xe buýt cũ (giai đoạn 2014-2017) chỉ mới đạt khoảng 70% khối lượng. Hiện thành phố đang có hơn 2.600 xe buýt tham gia hoạt động trên 145 tuyến, nhưng mới chỉ có 384 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG, còn đa số (hơn 2.200 xe) vẫn sử dụng dầu diesel. Vẫn còn xảy ra tình trạng phân biệt, đối xử chưa nhã nhặn với hành khách ở một số tuyến ngoại thành, đặc biệt là với người khuyết tật, người già, phụ nữ mang thai. Ngoài ra, diện tích bến bãi dành cho hoạt động VTHKCC thành phố chỉ đạt hơn 37% so với quy hoạch, khiến việc mở rộng mạng lưới tuyến, bãi đậu đón trả khách, đường dành riêng cho xe buýt... hết sức khó khăn.

Trước thực trạng trên, năm 2018, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh) quyết tâm đề ra chỉ tiêu khối lượng VTHKCC đạt 635 triệu lượt. Trong đó, vận chuyển hành khách bằng xe buýt là 335 triệu lượt (tăng 9,2% so với năm 2017). Để làm được điều này, theo ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố, năm 2018 có 3 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện gồm: Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng, khối lượng VTHKCC; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác điều hành; nghiên cứu mở mới các tuyến xe buýt nhằm tăng cường độ bao phủ mạng lưới, phấn đấu mở mới ít nhất 10 tuyến (các tuyến có trợ giá và không trợ giá) phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Song song đó, ngành chức năng sẽ mở rộng các tuyến buýt điểm nhằm nâng cao chất lượng, hình ảnh, thu hút người dân sử dụng xe buýt nhiều hơn; nâng cao kỹ năng phục vụ cho đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ trên xe. Đặc biệt, triển khai thí điểm đề án sử dụng xe minibus để tăng cường năng lực vận chuyển, phối hợp với các doanh nghiệp triển khai dịch vụ cho thuê xe điện, xe đạp kết nối xe buýt.

Về phương tiện, trong 6 tháng đầu năm 2018, phấn đấu hoàn thành đề án đầu tư thay mới 1.680 phương tiện mới giai đoạn 2014-2017, đồng thời, xây dựng đề án đầu tư xe mới giai đoạn 2018-2020, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải đầu tư, sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống vé điện tử thông minh áp dụng trên xe buýt; hoàn thành việc lắp đặt hệ thống camera trên các xe buýt còn lại; tiếp tục thực hiện đề án quảng cáo bên ngoài thân xe buýt trên tất cả các tuyến để tạo nguồn thu, giảm một phần kinh phí trợ giá từ ngân sách; phát triển hoạt động đưa rước học sinh, sinh viên nhằm phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành chỉ tiêu từ 15 đến 20% số lượng tham gia đi lại bằng xe buýt...

Năm 2017, khối lượng VTHKCC ở thành phố đạt hơn 604 triệu lượt hành khách. Trong đó, khối lượng vận chuyển bằng xe buýt ước đạt hơn 306 triệu lượt. Khối lượng vận chuyển bằng taxi và các loại hình tương tự khác gần 298 triệu lượt.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đột phá để "hút" khách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.