Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều bất cập cần tháo gỡ

Tuấn Khải| 04/06/2018 06:34

(HNM) - Ghế ngồi hỏng; không có mái che; bị những người bán hàng rong, xe ôm chiếm dụng... là thực trạng của nhiều nhà chờ, điểm dừng xe buýt hiện nay, làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận của hành khách cũng như khả năng vận hành của hệ thống xe buýt.

Trạm trung chuyển xe buýt Long Biên được trang bị hiện đại, góp phần xây dựng hình ảnh Thủ đô văn minh. Ảnh: Anh Tuấn


Khi điểm dừng là nỗi ám ảnh

Thời gian qua, hệ thống nhà chờ, điểm đỗ đã từng bước được quan tâm đầu tư, cải tạo, đem đến diện mạo mới cho hình ảnh xe buýt Thủ đô. Tuy nhiên, sự cải thiện về hạ tầng mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu.

Thời tiết Hà Nội đang trong những ngày mưa nắng thất thường. Và những điểm dừng, chờ xe buýt không có mái che đang thực sự là nỗi ám ảnh với hành khách. Điển hình như trên trục đường Nguyễn Khoái kéo dài từ quận Hai Bà Trưng sang quận Hoàng Mai, hàng chục điểm dừng xe buýt chỉ có một cọc sắt gắn biển ghi thông tin số hiệu tuyến và lộ trình, không có mái che. Những khi mưa trút xuống bất chợt, đa số hành khách dừng chờ không kịp trở tay. Nhiều điểm dừng, nhà chờ trên địa bàn thành phố dù có mái che nhưng bị xe ôm, hàng quán chiếm dụng, thậm chí trở thành nơi tập kết rác thải, vật liệu xây dựng...

Ví dụ như nhà chờ tại đầu ngõ 2 phố Thái Hà (quận Đống Đa) thường xuyên bị bao vây bởi hàng chục thùng rác, bốc mùi nồng nặc. Còn điểm dừng xe buýt trước cổng Bến xe Nước Ngầm (quận Hoàng Mai) từ lâu bị biến thành bến xe ôm, điểm đỗ xe máy. Tại không ít nhà chờ, tuy có thiết kế ghế ngồi, song do dãi dầu mưa nắng nên đã bị hỏng mà không được sửa chữa kịp thời.

Trong nội thành đã vậy, nhà chờ, điểm dừng của các tuyến buýt đi về các huyện còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Như trên tuyến quốc lộ 1A chạy song song với tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn đi qua các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, do không có vỉa hè nên hàng loạt điểm dừng buộc phải cắm bên trong hàng rào hành lang an toàn đường sắt, còn hành khách phải đứng ngoài hàng rào, ngay ở lòng đường để chờ xe buýt.

Trên tuyến quốc lộ 21B, quốc lộ 32, các điểm dừng xe buýt được cắm ngay sát mép đường do không có vỉa hè. Chị Nguyễn Thị Hoa (xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín) cho biết, mỗi lần đón xe buýt từ ngã ba Đỗ Xá về nội thành, chị rất lo lắng bởi sau lưng là tàu hỏa, trước mặt là ô tô, xe máy chạy rầm rầm, chỉ sơ sẩy một chút là có thể xảy ra tai nạn...

Cần quy hoạch chi tiết

Một nhà chờ xe buýt trên đường Nguyễn Khoái bị xe ôm và quán nước vây quanh. Ảnh: Tuấn Khải


Hiện toàn mạng lưới xe buýt của Hà Nội có trên 2.900 điểm đón trả khách, trong đó chỉ có 370 nhà chờ (chiếm khoảng 12,8%), còn lại là điểm dừng không có mái che. Đại diện Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GT-VT Hà Nội) thừa nhận, đây chính là một trong những yếu tố làm giảm chất lượng dịch vụ của loại hình xe buýt.

Tại các khu vực ngoại thành, vẫn biết nhiều điểm dừng được bố trí chưa phù hợp, nhưng để có những địa điểm hợp lý thì lại vướng phải vấn đề pháp lý. Như tại quốc lộ 1A, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị đã từng đề xuất cho lùi hàng rào tại các vị trí cắm điểm dừng về phía đường sắt 2m, khoanh ô để người dân có chỗ chờ xe an toàn.

Tuy nhiên, ngành Đường sắt không đồng ý bởi liên quan đến hành lang an toàn giao thông đường sắt. Tương tự, với các điểm dừng nằm trên các tuyến đê, việc cải tạo phải xin ý kiến các cơ quan quản lý đê điều. Sở GT-VT Hà Nội đã kiến nghị nhưng chưa được đồng thuận với lý do "vướng" các quy định bảo vệ đê điều.

Trong khu vực nội thành, việc xây dựng, nâng cấp các điểm dừng thành nhà chờ còn khó khăn hơn. Đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, các tuyến đường đô thị chật hẹp, lượng người tham gia giao thông cao nên rất thiếu quỹ đất để bố trí nhà chờ, điểm đỗ. Một khó khăn nữa là phản ứng trái chiều của một bộ phận người dân sinh sống, kinh doanh dọc theo mặt tiền các tuyến phố.

Nhiều trường hợp còn tìm cách “ngầm” phá hoại, làm nhà chờ hư hại. Điển hình là điểm dừng trước cửa số nhà 54 phố Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa), sau khi có kiến nghị của hành khách, cơ quan chức năng đã tiến hành lắp đặt nhà chờ nhưng sau đó lại phải tháo dỡ bởi vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dân ở đây.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những bất cập kể trên là do từ trước tới nay, Hà Nội vẫn chỉ xem hệ thống điểm dừng, nhà chờ như một hợp phần đi kèm của xe buýt mà chưa được xem xét, tách thành một quy hoạch riêng, song hành với quy hoạch mạng lưới vận tải công cộng như đúng với vai trò của nó. Những bất cập nói trên sẽ sớm được giải quyết nếu xác lập quy hoạch chi tiết về mạng lưới điểm dừng, đỗ, nhà chờ.

Khi đó, vị trí lắp đặt sẽ được chỉ định và tính toán trước, khi triển khai phải tuân thủ theo đúng quy hoạch. Trên cơ sở này, việc tổ chức giao thông kết nối với nhà chờ sẽ rất thuận lợi vì trên quy hoạch đã tính toán sẵn các yếu tố cần thiết, kể cả những hạng mục phụ trợ như bãi gửi xe cá nhân, chuỗi cung ứng dịch vụ cho hành khách...

Ngoài ra, khi có quy hoạch, cơ quan chức năng sẽ tính toán, sắp xếp được không gian (chiều cao, dài, rộng) để xây dựng nhà chờ. Yếu tố này còn liên quan đến mỹ quan đô thị và đặc biệt là tạo nên hệ thống nhà chờ có quy chuẩn hiện đại, thu hút được quảng cáo, thương mại, tạo nguồn lực tái đầu tư cho xe buýt...

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội (HAPTA) khẳng định, muốn phát triển vận tải hành khách công cộng, thành phố cần quan tâm đầu tư xứng đáng cho phát triển hạ tầng; ban hành quy chuẩn về hệ thống điểm dừng xe buýt, rà soát, sắp xếp lại mạng lưới tuyến và các điểm dừng bảo đảm cự ly dưới 500m. Xe buýt sẽ khó có thể hấp dẫn hành khách nếu việc tiếp cận ngay từ các nhà chờ, điểm dừng đã khó khăn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều bất cập cần tháo gỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.