Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu phí BOT giao thông: Đã xuất phát từ lợi ích người dân?

Bảo Hân| 04/06/2018 13:46

(HNMO) - Sáng 4-6, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) Nguyễn Văn Thể diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi và bình luận, trao đổi của đại biểu xung quanh các dự án BOT, đặc biệt là việc thu phí đã thực sự xuất phát từ lợi ích của người dân hay chưa?

Nguyễn Văn Thể diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi và bình luận, trao đổi của đại biểu xung quanh các dự án BOT, đặc biệt là việc thu phí đã thực sự xuất phát từ lợi ích của người dân hay chưa?


Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) nêu câu hỏi chất vấn tới Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.


Kiểm toán phát hiện có sự chênh lệch là điều hiển nhiên!

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) về sự chênh lệch giữa hợp đồng dự án BOT và kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng đây là vấn đề cả xã hội quan tâm.

Bộ trưởng giải thích: Trong dự án BOT có nhiều phần dự phòng như dự phòng vật giá, dự phòng khối lượng, công tác GPMB và những vấn đề phát sinh kinh phí. Do đó dự án BOT được duyệt bao gồm các khoản có thể phát sinh nên có giá trị lớn.

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện dự án BOT, Bộ GT-VT đã chủ động kiến nghị Kiểm toán Nhà nước cùng kiểm toán trước khi Bộ GT-VT quyết toán. Trong 56 trạm BOT thì Kiểm toán Nhà nước đã tham gia kiểm toán 50 dự án, còn 6 dự án đang triển khai.

Để đảm bảo quyền lợi của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư, Bộ GT-VT đã đàm phán với các nhà đầu tư BOT và trong hợp đồng có một điều khoản giá trị sau quyết toán là căn cứ để Bộ GT-VT điều chỉnh thời gian thu phí và các chính sách liên quan đến phí.

"Việc Kiểm toán Nhà nước phát hiện có sự chênh lệch là điều hiển nhiên. Với những dự án triển khai nhanh, ít biến động giá, ít phát sinh khối lượng thì những phần dự phòng này là phần chênh lệch số năm mà Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra. Số liệu của Kiểm toán Nhà nước và số lượng quyết toán của Bộ GT-VT luôn tương đồng với nhau. Đặc biệt, số lượng quyết toán của Bộ GT-VT trong nhiều dự án còn thấp hơn cả số liệu của Kiểm toán Nhà nước" - Bộ trưởng khẳng định.

"Dân chịu thì thu, dân không chịu thì dừng"

Về thu phí BOT, Bộ trưởng cho biết luôn có quan điểm bảo vệ lợi ích của người dân. Thời gian qua, khi mặt bằng giá tăng cao, Bộ đã phối hợp với địa phương và các nhà đầu tư rà soát và giảm toàn bộ 56 dự án BOT. Có những dự án giảm 2- 3 lần.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ).


Tuy nhiên, trao đổi lại với Bộ trưởng, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) cho rằng thực tế cho thấy việc thu phí chưa xuất phát từ lợi ích người dân. Bức xúc trong dư luận hiện nay nằm ở 17 dự án đặt trạm BOT sai vị trí. Các giải pháp mà Bộ trưởng nêu chỉ toát lên việc "dân chịu thì thu, dân không chịu thì dừng, giảm giá. Sau đó thuyết phục, dân không chịu lại dừng, dân chịu lại thu...". 

Thể chế chưa hoàn chỉnh, xử lý "chắp vá"

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) nêu, một trong những vấn đề bất cập hiện nay với các trạm BOT là thể chế chưa hoàn chỉnh và quá trình tổ chức thực hiện có nhiều sai phạm, lợi dụng chính sách này dẫn đến bất cập, tranh chấp và bức xúc của người dân. Đặc biệt, theo đại biểu là chưa giải quyết được 3 lợi ích căn bản của nhà đầu tư, người dân và Nhà nước. "Chúng ta vẫn còn "ăn đong" trong lĩnh vực này. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ để giải quyết" - đại biểu nêu.

Đồng tình với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Bộ GT-VT thừa nhận thực trạng chưa hoàn chỉnh về thể chế. Một số sai phạm trong quá trình thực hiện dự án được các đoàn thanh tra, kiểm tra chỉ ra và Bộ đang tiếp thu, khắc phục triệt để.


Về việc lợi dụng chủ trương khi thực hiện dự án, Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ giao các ngành chức năng như Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an cùng vào cuộc một cách quyết liệt để xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức lợi dụng chủ trương để ảnh hưởng đến người dân. Riêng Bộ GT-VT đã quán triệt trong ngành phải làm nghiêm túc để phục vụ tốt cho Đảng và Nhà nước.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tiếp tục tranh luận, muốn Bộ trưởng trả lời sẽ hoàn thiện thể chế như thế nào và chờ mong hoàn thiện luật nào đó chứ không phải tiếp tục đi "chắp vá", dẫn đến thiếu căn cơ như hiện nay.

Về ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, hiện Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện các luật liên quan, trong đó quy định toàn bộ trách nhiệm, cơ chế chính sách liên quan.

Kết thúc phiên chất vấn buổi sáng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có 30 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 20 lượt đại biểu tranh luận và hiện còn 28 đại biểu đăng ký hỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu phí BOT giao thông: Đã xuất phát từ lợi ích người dân?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.