Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt lập lại trật tự an toàn giao thông tại Ba Vì

Kim Văn| 29/07/2018 07:10

(HNM) - Mặc dù các cấp, các ngành của huyện Ba Vì đã tích cực vào cuộc, nhưng tình trạng vi phạm trật tự đô thị, hành lang an toàn giao thông vẫn diễn ra. Khắc phục tình trạng này như thế nào đang là vấn đề đặt ra đối với huyện Ba Vì.

Nâng cấp tuyến đường ven đê bảo đảm an toàn giao thông tại huyện Ba Vì.


Theo Ban An toàn giao thông huyện Ba Vì, từ đầu năm đến nay, các xã, thị trấn đã ký cam kết với 220 hộ dân sinh sống dọc các trục đường lớn không lấn chiếm hành lang, lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, dừng đỗ phương tiện, dựng biển quảng cáo... Lực lượng chức năng của huyện cũng đã yêu cầu 20 hộ dân tháo dỡ lều bạt, quán bán hàng; giải tỏa 3 hộ dân bán hàng trên vỉa hè; thu giữ 91 biển, bảng quảng cáo, 9 ô dù, bạt che và cưỡng chế tháo dỡ 46 mái vảy, lều tạm; giải tỏa 5 chợ tạm, 5 khu vực lấn chiếm hành lang an toàn giao thông làm nơi kinh doanh buôn bán... Bên cạnh đó, Công an huyện Ba Vì lập biên bản 36 trường hợp, tạm giữ 28 bộ giấy tờ, xử lý 176 trường hợp dừng đỗ phương tiện không đúng nơi quy định... Lực lượng thanh tra giao thông xử lý 11 trường hợp vi phạm về tải trọng, để vật liệu rơi vãi xuống đường khi vận chuyển...

Tuy nhiên, trên thực tế, những ngày gần đây, trên các trục đường thuộc thị trấn Tây Đằng và các xã: Đông Quang, Tản Lĩnh, Cẩm Lĩnh... nhiều đoạn vỉa hè vẫn bị chiếm dụng làm nơi bán hàng, dừng, đỗ phương tiện, đặt biển quảng cáo, tập kết vật liệu, phế thải xây dựng... Trong khi đó, công năng của vỉa hè là để phục vụ người đi bộ, phục vụ lợi ích công cộng nhưng do bị chiếm dụng, người đi bộ phải đi dưới lòng đường trước những hiểm nguy rình rập, mất an toàn giao thông...

Trao đổi với chúng tôi, một chủ hàng ăn uống ở thị trấn Tây Đằng cho biết: "Tôi biết việc lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, dừng đỗ phương tiện của thực khách là sai quy định. Nhưng vì "miếng cơm, manh áo" của các thành viên trong gia đình nên đành chấp nhận vi phạm". Cũng theo chủ nhà hàng này, hằng ngày, lực lượng chức năng của huyện và thị trấn vẫn đi tuần tra, nhắc nhở, thu giữ biển quảng cáo... Tuy nhiên, các hộ kinh doanh ở đây thường tìm cách đối phó bằng cách khi thấy lực lượng chức năng đi tuần tra, kiểm soát, chủ các hàng quán thông báo cho nhau thu dọn đồ vật vào nhà, khi lực lượng chức năng đi qua thì họ lại bày ra...

Thực trạng vỉa hè bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh, dựng biển quảng cáo, dừng, đỗ phương tiện... không chỉ làm xấu cảnh quan, trật tự đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số vụ tai nạn giao thông... Theo Ban An toàn giao thông huyện Ba Vì, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do lực lượng quản lý trật tự đô thị tại các xã, thị trấn còn mỏng, thiếu phương tiện thực thi nhiệm vụ; chế tài và thẩm quyền xử lý các vi phạm về trật tự đô thị còn nhiều bất cập và chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự đô thị và hành lang an toàn giao thông của một số hộ dân chưa cao. Một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện chưa thực sự quan tâm tới việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, coi việc xử lý vi phạm là nhiệm vụ của huyện, của ngành Công an, Thanh tra giao thông; chưa có giải pháp hữu hiệu trong việc bảo vệ hành lang sau khi giải tỏa, dẫn đến phần lớn các hộ tái vi phạm...

Để lập lại trật tự đô thị, giành lại vỉa hè, lòng đường cho người đi bộ, ông Nguyễn Duy Đào, Trưởng phòng Quản lý đô thị, Phó Trưởng ban An toàn giao thông huyện Ba Vì cho biết: Thời gian tới, huyện Ba Vì giao Phòng Tư pháp, Công an huyện, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền các luật giao thông đường bộ, đường thủy và các chỉ đạo của huyện và thành phố về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đến mọi người dân. Lực lượng công an, thanh tra giao thông tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy trong mùa mưa lũ; cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trọng tâm là các bến khách ngang sông.

Bên cạnh đó, Ban An toàn giao thông huyện tiếp tục tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ và gắn việc xây dựng "Văn hóa giao thông" với thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Đặc biệt, Ban An toàn giao thông đề xuất việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng thi đua của tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị...

Từ thực tế cơ sở hạ tầng giao thông của địa phương, huyện Ba Vì đề nghị Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội nghiên cứu, xem xét đưa vào khai thác tuyến xe buýt trợ giá nối khu vực từ trung tâm thành phố đến Khu di tích lịch sử K9 - Đá Chông; trung tâm Hà Nội đi Khu du lịch hồ Suối Hai - Đầm Long - Bến xe Bất Bạt; kéo dài tuyến xe buýt số 92 Nhổn - Sơn Tây - Tây Đằng lên Nghĩa trang Yên Kỳ 9, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân nhằm giảm áp lực cho hạ tầng giao thông...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt lập lại trật tự an toàn giao thông tại Ba Vì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.