Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Sửa mặt cầu Thăng Long phải đảm bảo độ bền vững trên 10 năm"

Theo VIỆT HÙNG (VIETNAM+)| 06/09/2018 17:57

Liên quan đến việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long đang bị hằn lún, rạn nứt, hư hỏng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long phải đảm bảo tính bền vững trên 10 năm.

Hư hỏng trên nền mặt cầu Thăng Long vẫn chưa được sửa chữa triệt để. (Ảnh: TTXVN)


Tại cuộc họp bàn phương án sửa chữa, xử lý mặt cầu Thăng Long diễn ra hôm nay (6-9), ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục đã liên hệ với Công ty và chuyên gia Liên bang Nga và được họ trả lời có thể hợp tác và sẽ khảo sát thực tế, xem xét trạng thái lớp mặt cầu vào cuối thàng 9 này.

Nhấn mạnh cầu Thăng Long đã có tuổi thọ trên 30 năm, là biểu tượng của tình hữu nghị giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội và cả nước, theo Bộ trưởng, thời gian qua đã có nhiều đợt sửa chữa mặt cầu nhưng so với kỳ vọng của xã hội và so với thực tế đã sửa chữa chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đảm bảo êm thuận.

Cho rằng nếu không có giải pháp căn cơ, hư hỏng mặt cầu Thăng Long sẽ tiếp diễn, người đứng đầu ngành GTVT nhìn nhận, giải pháp sửa chữa lần này phải khắc phục bền vững, ít nhất là từ 10 năm trở lên.

Bộ trưởng yêu cầu phải chọn được tổ chức tư vấn có uy tín, kinh nghiệm về lĩnh vực cầu thép và có những dự án chứng minh được tính hiệu quả, trong đó ưu tiên cho đơn vị trước kia đã xây dựng cầu Thăng Long để hợp tác nghiên cứu thực hiện dự án.

Bộ trưởng giao Tổng cục Đường bộ phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam kiểm định lại tổng thể toàn bộ cầu để đánh giá những biến động của kết cấu cầu. Vụ Hợp tác Quốc tế phối hợp với Tổng cục Đường bộ mời các chuyên gia, doanh nghiệp đã xây cầu của Nga sang để trao đổi kinh nghiệm sửa chữa.

Bên cạnh đó, vị Tư lệnh ngành giao thông yêu cầu thành lập một tổ chuẩn bị đề cương, đưa ra mục tiêu rõ ràng để trao đổi, thảo luận, để giải quyết vướng mắc. Trong trường hợp đấu thầu quốc tế, các đơn vị sẽ tham gia hoặc sẽ xin Chính phủ cơ chế để chỉ định thầu.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có đề xuất đưa ra các phương án nghiên cứu xử lý mặt cầu Thăng Long.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ đã liên hệ với Công ty và chuyên gia Nga. Phía Nga đã trả lời có thể hợp tác nhưng đề nghị chuyển tài liệu cho họ nghiên cứu trước đồng thời phía Nga sẽ khảo sát tình hình thực tế. Hiện nay, Tổng cục đã chuyển một số tài liệu do Tư vấn KEI (được JICA lựa chọn) nghiên cứu trước đây cho phía Nga để họ nghiên cứu và có giải pháp sơ bộ.

Năm 2009, mặt cầu Thăng Long được sửa chữa tổng thể toàn bộ mặt cầu (kết cấu lớp phủ mặt cầu tính từ dưới lên). Sau một thời gian khai thác, lớp bêtông nhựa SMA bị hư hỏng, trượt, xô dồn nứt dẫn đến lớp bêtông nhựa mặt cầu nhanh bị phá hỏng.

Trong giai đoạn năm 2012-2013, Bộ GTVT thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bêtông nhựa mặt cầu Thăng Long bằng máy rải chuyên dụng của hãng HallBrother (Mỹ), sử dụng vật liệu dính bám nhũ tương nhựa đường polyme và bêtông nhựa polyme. Thế nhưng, sau một thời gian có nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành.

Từ năm 2016 đến nay, Cục Quản lý đường bộ 1 tổ chức duy tu bảo dưỡng thường xuyên đã sửa chữa cục bộ các vị trí bêtông nhựa bị trượt, xô dồn, ổ gà để đảm bảo giao thông. Gần đây, mưa nhiều phát sinh hư hỏng nhưng đã được sửa chữa đảm bảo giao thông. Tuy nhiên, do mưa liên tục nên các vị trí sửa không được phẳng nhẵn. Các đơn vị duy tu đã khắc phục miếng vá lồi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Sửa mặt cầu Thăng Long phải đảm bảo độ bền vững trên 10 năm"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.