Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bắt đầu từ hoàn thiện khung pháp lý

Tuấn Khải| 14/09/2018 07:23

(HNM) - Sự nở rộ của mô hình xe hợp đồng điện tử tương tự như Grab thời gian qua đã khiến số lượng hợp tác xã vận tải được thành lập mới gia tăng nhanh.

Hầu hết lái xe công nghệ chỉ gia nhập hợp tác xã vận tải để hợp thức hóa thủ tục. Ảnh: Hữu Tiệp


Vai trò mờ nhạt

Theo quy định hiện hành về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, hợp tác xã vận tải cũng có vai trò, vị trí tương đương như các doanh nghiệp vận tải thông thường. Chỉ cần 3 thành viên tham gia góp vốn là có thể thành lập hợp tác xã và hoạt động như mô hình doanh nghiệp. Tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT (ngày 7-1-2016) về thực hiện thí điểm loại hình xe hợp đồng điện tử, các doanh nghiệp như Grab chỉ được ký hợp đồng với các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải mà không được ký hợp đồng trực tiếp với các cá nhân, lái xe. Từ thực tế này, thời gian qua, hàng loạt hợp tác xã vận tải được ra đời.

Thống kê cho thấy, trước khi thí điểm xe hợp đồng điện tử, toàn TP Hồ Chí Minh chỉ có vài chục hợp tác xã, nhưng sau hơn 2 năm thí điểm, đến nay con số này đã lên tới hơn 100 hợp tác xã. Tại Hà Nội, cũng trong 2 năm qua đã có gần 100 hợp tác xã vận tải được thành lập. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nhiều hợp tác xã được thành lập chủ yếu mang tính “đánh trống ghi tên”, chỉ nhằm hợp thức hóa thủ tục, giấy tờ, xin phù hiệu “xe hợp đồng” cho xã viên rồi thu phí. Không ít hợp tác xã chỉ có tư cách pháp nhân, đóng vai trò trung gian trong khi hiệu lực điều hành gần như không có. Buông lỏng công tác quản lý an toàn giao thông, không chấp hành nghiêm các quy định về bãi đỗ xe, đóng bảo hiểm xã hội cho xã viên... đang là tình trạng chung của hầu hết các hợp tác xã vận tải.

Anh Nguyễn Anh Tuấn (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai) cho biết, bất cứ ai có ô tô, có bằng lái xe hạng B2 và có nhu cầu đều có thể trở thành xã viên khi đăng ký gia nhập hợp tác xã và chấp nhận nộp một khoản phí. Tỷ lệ ăn chia theo thỏa thuận giữa lái xe và đơn vị cung cấp phần mềm, không liên quan đến hợp tác xã. Nếu xảy ra bất cứ vấn đề gì trên đường giữa lái xe và hành khách thì hai bên tự giải quyết, hợp tác xã không can thiệp...

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh cho biết, có những hợp tác xã có quy mô rất lớn, lên tới hàng nghìn xe, trong khi bộ máy gần như không hoạt động, thậm chí chỉ có vợ với chồng và 1 nhân viên thư ký chuyên thống kê, ghi chép. Đây là một sự bất thường.

Phá vỡ nguyên tắc

Thừa nhận những bất cập nói trên, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) cho rằng, phần lớn trong số 1.163 hợp tác xã vận tải trên cả nước hiện nay chỉ hoạt động trên danh nghĩa. Thực chất các hợp tác xã này chỉ được thành lập để thực hiện các dịch vụ thủ tục giấy tờ cho các hộ cá thể có phương tiện, có nhu cầu kinh doanh vận tải, chủ yếu là xe công nghệ. Quá trình hoạt động kinh doanh vận tải xảy ra vấn đề gì, các hợp tác xã không hay biết thậm chí không có trách nhiệm giải quyết.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh, để các hợp tác xã vận tải thực hiện đúng vai trò của mình, cần nâng cao trình độ cho đội ngũ quản lý hợp tác xã, đồng thời siết chặt công tác quản lý, xử phạt nghiêm đơn vị vi phạm. Đại diện Phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cho biết, trong quá trình kiểm tra thực tế hoạt động của các hợp tác xã vận tải, Sở nhận thấy việc các hợp tác xã tham gia thí điểm với số lượng phương tiện lớn và hoạt động tương tự như taxi thì cũng cần có bộ phận theo dõi an toàn giao thông như các doanh nghiệp taxi. Điều này đã được nhiều địa phương kiến nghị lên Bộ Giao thông - Vận tải khi nghiên cứu sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP (ngày 10-9-2014) của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

“Nếu việc thành lập hợp tác xã chỉ nhằm mục đích xin phù hiệu xe hợp đồng cho xã viên thì nó sẽ phá vỡ nguyên tắc và ý nghĩa tốt đẹp của hợp tác xã. Do vậy, cần chấn chỉnh về mặt tổ chức của các hợp tác xã vận tải. Các hợp tác xã phải làm đúng điều lệ, đúng Luật Hợp tác xã và phải có trách nhiệm với các hành vi và hoạt động của xã viên, thậm chí phải đứng sau xã viên để chịu trách nhiệm liên quan đến tai nạn giao thông, bảo hiểm tính mạng, sức khỏe cho khách hàng...” - ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng một số hợp tác xã thành lập theo kiểu “đánh trống ghi tên” là do việc xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên tham gia hợp tác xã còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã vận tải, cần hoàn thiện quy định của pháp luật, đặc biệt là xác định rõ chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của các thành viên tham gia hợp tác xã. Cùng với việc hỗ trợ, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các hợp tác xã không thực hiện đúng quy định. Chỉ khi hoàn thiện khung pháp lý thì chúng ta mới nhận diện, định hướng quản lý và giám sát, xử lý vi phạm hiệu quả...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắt đầu từ hoàn thiện khung pháp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.