Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đường băng hai sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất có nguy cơ ‘đóng cửa’

Theo Đăng Sơn/Báo Tin tức| 19/09/2018 17:54

Do tần suất khai thác cao đã vượt ngưỡng quá tải, nên đường băng cất hạ cánh tại hai sân bay này cần bảo dưỡng gấp, nếu không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn bay”, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ cho biết.


Cụ thể, theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, do khai thác vượt tần suất và vượt áp suất bánh hơi thiết kế, đường băng 07L/25R của sân bay Tân Sơn Nhất đã xuất hiện nhiều hư hỏng, rạn, nứt, mặt đường bê tông nhựa bị biến dạng, hằn vệt bánh xe theo vệt lăn của càng máy bay.

Tương tự, đường băng 1B của sân bay Nội Bài có nhiều điểm bị bong bật, nứt vỡ tấm bê tông xi măng, khe co giãn bong vật liệu chèn khe. Một số tấm bê tông xi măng bị lún.

Đường băng cất hạ cánh tại Sân bay Nội Bài.


Mặc dù thực tế như vậy, nhưng hệ thống sân đường khu bay tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất vẫn đang phải tiếp tục khai thác vượt tải.

Trước đó, theo lãnh đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đường cất/hạ cánh 25R/07L CHK quốc tế Tân Sơn Nhất được sửa chữa và đưa vào sử dụng tháng 6-2013, bảo đảm khai thác tàu bay B777 - 300 ER hoặc tương đương với tần suất hoạt động 55.100 lần cất/hạ cánh trong 10 năm. Trong khi đó, tính đến hết tháng 4-2018, tổng số lần cất/hạ cánh trên đường này (quy đổi ra tàu B777) đã là 126.000 lần, vượt nhiều lần thiết kế.

Đường cất/hạ cánh 1B CHK Nội Bài đưa vào khai thác năm 2003, được thiết kế bảo đảm khai thác tàu bay B747-400 cho khoảng 10.500 lượt cất/hạ cánh trong 20 năm. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 4-2018, tổng số lần cất/hạ cánh trên đường băng này đã lên tới 284.200 lần.

“Tuy nhiên, nếu đóng cửa 2 đường băng để nâng cấp, sửa chữa, sẽ tăng thêm áp lực khai thác cho 2 đường cất/hạ cánh còn lại, gây ảnh hưởng đến an toàn bay, đồng thời, giảm sản lượng khai thác tại 2 sân bay đông đúc nhất cả nước”, lãnh đạo ACV cho hay.

Trước tình hình xuống cấp nghiêm trọng trên, Bộ Giao thông - Vận tải đã đề nghị Thủ tướng xem xét bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020 từ nguồn dự phòng của Chính phủ. Dự kiến, khoảng gần 4.500 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp.

Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính cho phép ACV sử dụng nguồn thu từ hoạt động khai thác kết cấu hạ tầng khu bay để thực hiện ngay công tác bảo trì, sửa chữa hệ thống sân đường khu bay tại các cảng hàng không, thực hiện ghi thu, ghi chi ngân sách Nhà nước như giai đoạn trước 31-12-2017 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hoặc sử dụng nguồn kinh phí của ACV để thực hiện.

Qua tìm hiểu, hiện cả hai đường băng tại Tân Sơn Nhất phục vụ khoảng 650 chuyến bay/ngày. Nếu một đường băng hỏng, bị đóng cửa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch khai thác.

Còn theo các hãng hàng không, trong trường hợp phải đóng cửa đột xuất, tất cả kế hoạch khai thác của các đơn vị liên quan tại cảng hàng không, sân bay sẽ bị đảo lộn. Hãng hàng không phải hủy chuyến dù vé đã bán ra từ vài tháng trước. Hành khách lỡ kế hoạch bay, công ty du lịch bị "vỡ" tour… Cùng đó, tình trạng chậm chuyến dây chuyền, ách tắc tại sân bay, nhất là trong bối cảnh Tân Sơn Nhất đã quá tải như hiện nay…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đường băng hai sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất có nguy cơ ‘đóng cửa’

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.