Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi: Khoảng trống cần lấp đầy

Thúy Nga| 06/12/2014 06:51

(HNM) - Công tác nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi thời gian qua đã có nhiều tiến bộ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong quản lý, cơ chế, chính sách nên việc chuyển giao giống mới

Chăm sóc ngô giống tại Viện Nghiên cứu ngô (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam).Ảnh: Bá Hoạt



Cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ

Việc nghiên cứu, sản xuất, chọn, tạo giống cây trồng, vật nuôi chuyển giao trên diện rộng không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn giảm nhập khẩu giống từ nước ngoài... Mặc dù vậy, tại hội nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng thời gian qua, còn nhiều vấn đề đặt ra cả trong nghiên cứu, sản xuất đến chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi. Nguyên nhân là do chính sách về nghiên cứu, chuyển giao chưa phát huy hết năng lực của toàn xã hội, nhất là doanh nghiệp và cá nhân. Một số chính sách đã ban hành nhưng triển khai thiếu đồng bộ; quá trình chuyển giao giống mới vào sản xuất còn thiếu sự gắn kết giữa các viện nghiên cứu với đơn vị, doanh nghiệp sản xuất giống. Doanh nghiệp là cầu nối tiếp nhận giống mới từ viện nghiên cứu để sản xuất giống thương phẩm cung cấp cho nông dân sản xuất đại trà, song thời gian qua, mối liên kết này chưa chặt chẽ. Đáng chú ý là doanh nghiệp gần như đứng ngoài cuộc với các dự án khuyến nông ở trung ương và địa phương. Vai trò của doanh nghiệp trong chuyển giao giống mới vào sản xuất chưa được phát huy, mặc dù doanh nghiệp là đơn vị chủ lực cung cấp giống cho sản xuất…

Nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất giống cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Trung bình kinh phí sự nghiệp đầu tư cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và do Bộ NN&PTNT quản lý khoảng 220 tỷ đồng năm, nhưng chỉ có 50-60% để thực hiện cho các nhiệm vụ liên quan đến giống. Còn các địa phương quản lý khoảng 600 tỷ đồng, mới đáp ứng được 55-60% nhu cầu. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực giống cũng còn nhiều bất cập. Pháp lệnh Giống cây trồng, vật nuôi có hiệu lực thi hành cách đây 10 năm, nhưng chưa có nghị định hướng dẫn thực hiện; một số quy định không đáp ứng được đòi hỏi cấp bách thực tiễn. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn về giống cây trồng, vật nuôi còn thiếu; công tác thanh tra, kiểm tra và chế tài xử lý chưa đủ răn đe; quyền tác giả chưa được chú trọng đúng mức. Giống giả, kém chất lượng vẫn trôi nổi trên thị trường, gây thiệt hại cho nông dân…

Theo Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 652 tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng được cấp mã số; 661 đơn vị, cá nhân đăng ký sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp; 240 cơ sở nuôi giữ gần 59.300 con lợn nái giống cụ kỵ, ông bà; 2.121 cơ sở nuôi gia cầm ông bà, bố mẹ; 2.305 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ… Đã có 48 giống lúa mới được công nhận; chọn tạo và công nhận 26 giống ngô; 10 giống cây có củ; 189 giống cây lâm nghiệp; công nhận 4 dòng, giống lợn, 12 dòng gà, 6 dòng ngan, 4 dòng vịt, 1 tổ hợp bò lai thịt và đang khảo nghiệm 4 loài cá tầm, 1 giống tôm thẻ chân trắng...

Tạo cơ chế bình đẳng trong nghiên cứu, sản xuất giống

Theo ông Trần Mạnh Báo, Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Chính phủ cần xây dựng chiến lược về giống cây trồng, vật nuôi, trong đó, hệ thống văn bản pháp luật phải đồng bộ. "Sau khi ra nhập WTO, chúng ta phải áp dụng luật quốc tế, hơn nữa Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Đất đai 2013, Luật Doanh nghiệp sửa đổi vừa có hiệu lực thi hành đã chi phối Pháp lệnh Giống cây trồng, vật nuôi. Trong điều kiện hiện nay, không có văn bản pháp luật thì doanh nghiệp bế tắc trong phát triển. Bên cạnh đó cần sắp xếp lại hệ thống nghiên cứu, không thể xem nhẹ vai trò của doanh nghiệp. Trong 5 năm qua, có tới 61% giống cây trồng được công nhận là của doanh nghiệp nghiên cứu" - ông Trần Mạnh Báo cho biết. Cũng theo ông Trần Mạnh Báo, trong bối cảnh hội nhập, nhiều doanh nghiệp nước ngoài có trình độ quản trị, công nghệ và PR khá tốt ào ạt đầu tư vào nước ta, doanh nghiệp Việt Nam muốn "sống" được phải nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm giống cây trồng, vật nuôi. Nhà nước phải kiên quyết xử lý đơn vị làm không tốt, gây thiệt hại cho nông dân, có chính sách đãi ngộ đội ngũ cán bộ khoa học, thừa nhận công lao đóng góp của họ...

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Đặng Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Việt Úc, chuyên sản xuất giống thủy sản, cho rằng vấn đề đặt ra là phải nâng cao năng lực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi của Việt Nam để cạnh tranh sòng phẳng với giống của nước ngoài. "Việt Nam phải có ít nhất 8-10 thương hiệu tôm giống. Nếu có nhiều thương hiệu mạnh, ngành sản xuất thủy sản Việt Nam có thể bứt phá, đứng nhất, nhì thế giới về sản xuất tôm giống và chia sẻ rủi ro với sản xuất trong nước" - ông Tuấn chia sẻ. Cùng chung quan điểm, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Giống cây trồng Hạnh Nguyên đề nghị Chính phủ có cơ chế khuyến khích mạnh hơn như: Hỗ trợ sau đầu tư giúp doanh nghiệp yên tâm nghiên cứu, sản xuất đại trà giống cây trồng, vật nuôi.

Nhu cầu nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất giống cây trồng, vật nuôi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp khá lớn. Từ hoạt động quản lý và kiến nghị của doanh nghiệp, đi đôi với định hướng phát triển giống cây trồng chủ lực, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu tạo giống, nhất là doanh nghiệp; cho phép doanh nghiệp, cá nhân được bình đẳng, tham gia đặt hàng một số sản phẩm khoa học, công nghệ. Nhà nước thực hiện hỗ trợ bằng tiền sau đầu tư đối với giống cây trồng, vật nuôi được công nhận và được áp dụng sản xuất đại trà.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi: Khoảng trống cần lấp đầy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.