Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Bí kíp" dạy con trưởng thành

Thu Minh| 26/03/2017 07:45

(HNM) -


Một buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm dạy trẻ tại Hà Nội.


Nhiều kinh nghiệm thú vị

Bộ sách "Mẹ các nước dạy con trưởng thành" gồm 4 tập sách "Mẹ Do Thái dạy con tư duy", "Mẹ Mỹ dạy con tự tin", "Mẹ Nhật dạy con trách nhiệm" và "Mẹ Đức dạy con kỹ năng". Trong mỗi cuốn sách là nhiều bài học kinh nghiệm thú vị với những ví dụ, câu chuyện cụ thể và sinh động. Như cuốn "Mẹ Mỹ dạy con tự tin", thông qua sự chia sẻ quan điểm giáo dục của người Mỹ: "Sự tự tin là chìa khóa dẫn đến thành công", cuốn sách đã giới thiệu 58 "bí kíp" dạy con ngắn gọn với những câu chuyện dễ nhớ, đặc biệt hữu ích cho cả bố mẹ và con, hướng đến mục tiêu giáo dục các bé trở thành những đứa trẻ tự tin, lạc quan, dũng cảm, độc lập trong tư duy và tự chủ trong cuộc sống.

Nếu con bạn hơi nhút nhát, bạn sẽ dùng nhiều biện pháp để giúp bé tự tin, hay sẽ tôn trọng cá tính của con? Bạn sẽ làm gì khi con kêu đói nhưng lại ăn rất ít khi bố mẹ mua? Bạn trả lời thế nào khi bé tò mò hỏi "Mẹ ơi, con từ đâu ra"?... Đó là hàng loạt tình huống, câu hỏi được đưa ra tại buổi tọa đàm "Học kinh nghiệm dạy trẻ bốn phương" - được tổ chức nhân dịp phát hành bộ sách nói trên. Đáp án tương ứng cho các câu hỏi ấy đều rất thú vị, nhận được lời khen của nhiều phụ huynh. "Bí kíp" của các bà mẹ Do Thái trong trường hợp con nhút nhát chính là "cha mẹ không nên bao bọc con quá, phải dạy trẻ tự làm việc của mình để hạn chế ỷ lại người khác". "Bí kíp" của các bà mẹ Nhật Bản khi dạy con cách ăn, đó là "bàn ăn cũng là bàn học. Bố mẹ thuyết phục con ăn hết suất thông qua can thiệp vào thức ăn, đầu tư bữa ăn nhiều màu sắc, tạo mối dây liên kết cho các bé với các món ăn"...

Trong cuộc sống hiện đại, có vô vàn tình huống buộc cha mẹ phải cân nhắc, lựa chọn, tìm kiếm giải pháp dạy con. Những thông điệp giáo dục từ các nước được đúc kết và chia sẻ, ít nhiều đều có thể hỗ trợ trong việc rèn, dạy trẻ. Chia sẻ về vấn đề này, bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Kim Đồng cho biết: "Mỗi quốc gia có cách dạy con khác nhau, nhưng bước đầu, chúng tôi chia sẻ những bài học kinh nghiệm của người Do Thái, Đức, Nhật Bản, Mỹ, bởi họ đều có được những thành công đáng kể trong việc đào tạo nhân lực với cội nguồn sâu xa từ nền giáo dục tiên tiến, xây dựng con người xuất sắc theo tiêu chí trách nhiệm - tự tin - tư duy - kỷ luật".

"Việt hóa" những bài học giáo dục

Mọi bài học kinh nghiệm, dù hay cũng cần phải phù hợp, tương thích về văn hóa mới có thể áp dụng. Bàn về vấn đề này, TS tâm lý Thành Nam đơn cử: "Quan niệm về thành công, nhiều khi cũng đã rất khác. Các phụ huynh ở nước ta thường hay cho rằng con thông minh, điểm cao, làm được nhiều điều người khác không làm được - là thành công. Còn ở nhiều nước, dạy trẻ thành công chính là con tự làm được việc của mình, tự giải quyết được các vấn đề của bản thân. Cuộc sống luôn có nhiều trở ngại, con phải tự giải quyết được, làm quen dần với những điều dù khó chịu để thích nghi cuộc sống tốt hơn".

Chia sẻ quan điểm "thái độ của cha mẹ quan trọng hơn kiến thức cha mẹ dạy", TS Thành Nam cho rằng, mỗi khi dạy con trẻ, chính cảm xúc, sự trân trọng của cha mẹ sẽ giúp con hiểu, học tốt hơn. Ông nhấn mạnh: "Lời nói gió bay, cảm xúc còn lại. Hãy luôn giúp con rèn khả năng hiểu cảm xúc của mình, kiểm soát cảm xúc, qua đó mới có thể tác động cảm xúc người khác. Luôn giúp con biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để có cách ứng xử tốt hơn".

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Thu, dịch giả có hơn 11 năm sống ở Nhật Bản cho biết: "Hiện tại, Nhật Bản nói riêng và nhiều quốc gia tiên tiến nói chung không quá chú ý vào điểm số, mà chú ý vào năng lực sống của trẻ. Đó là năng lực làm việc gì đó đến cùng, năng lực nuôi dưỡng chỉ số cảm xúc, khả năng trải nghiệm giao hòa với thiên nhiên và tương tác với mọi người".

Nếu muốn dạy con lòng tự trọng, tự tin, bố mẹ phải tôn trọng con, ứng xử với con như người lớn trong những trường hợp con được quyền quyết định. Nhiều bậc phụ huynh mong muốn con mình vừa tự lập vừa giỏi hơn các bạn đồng trang lứa, nhưng TS Nguyễn Thị Thu khẳng định: "Không có công thức chung trong việc dạy trẻ. Chúng ta chỉ có thể xây từng ngày, từng "viên gạch" nhỏ để góp phần tạo nên tính cách, nhân cách của trẻ".

Còn TS Thành Nam lại có những lời khuyên hữu ích cho việc này: "Thử hình dung bố mẹ là HLV, con là VĐV. Thành công của mỗi VĐV ngoài nhờ thầy giỏi còn phụ thuộc vô vàn yếu tố tác động, cả chủ quan và khách quan. Khi bố mẹ tạo điều kiện hết sức nhưng con vẫn không thành công, nghĩa là bố mẹ đòi hỏi cao quá đối với con. Trong trường hợp ấy, xin đừng quá thúc ép con trẻ, tạo áp lực tâm lý không đáng có lên các con"...

Dạy con là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự quan sát, kiên nhẫn chờ đợi con học hỏi trong tình yêu thương của các bậc làm cha mẹ, như chia sẻ của bà Vũ Thị Quỳnh Liên: "Bản thân tôi luôn ý thức dạy con là việc ngày nào các bậc làm cha mẹ cũng phải học và tôi mong các bậc phụ huynh sẽ luôn dành nhiều thời gian hơn để tương tác với con mỗi ngày".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Bí kíp" dạy con trưởng thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.