Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thói quen hôm nay, tri thức ngày mai

Nguyễn Lê Đình Quý| 03/07/2017 07:40

(HNM) - Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, nhiều bạn trẻ chỉ đọc những gì dễ và ngắn, mà ít quan tâm đến việc tự học từ đọc sách. Báo Hànộimới giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Lê Đình Quý - Trưởng đại diện Công ty cổ phần Sách Alpha (Alphabooks) và Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) tại miền Trung - người đã dành nhiều thời gian tham gia chia sẻ văn hóa đọc đến học sinh, sinh viên.

(HNM) - Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, nhiều bạn trẻ chỉ đọc những gì dễ và ngắn, mà ít quan tâm đến việc tự học từ đọc sách. Báo Hànộimới giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Lê Đình Quý - Trưởng đại diện Công ty cổ phần Sách Alpha (Alphabooks) và Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) tại miền Trung - người đã dành nhiều thời gian tham gia chia sẻ văn hóa đọc đến học sinh, sinh viên.



Khi văn hóa đọc bị giảm sút, nhiều sinh viên dễ dàng bị sao lãng, sa đà vào các trang web vô bổ, mạng xã hội, khó tập trung tư duy vào việc gì nên việc học trở nên khó khăn hơn, nhất là những việc hay môn học đòi hỏi phải đọc nhiều, phải có kỹ năng phân tích và tổng hợp. Do không rèn luyện thói quen đọc sách từ nhỏ, khi phải đọc sách hay tài liệu tham khảo, nhiều sinh viên nghĩ chỉ đọc lướt qua cuốn sách hoặc đọc một số trang là đủ. Trong khi đó, họ chưa được rèn kỹ năng đọc và rèn sự tập trung cho việc đọc, nên khó đem lại hiệu quả cho việc tiếp thu kiến thức từ sách. Điều này tạo ra rào cản lớn nếu sinh viên muốn tìm hiểu sâu vào chuyên môn hoặc môn học sau mỗi giờ trên lớp. Việc lười đọc sách khiến không ít sinh viên không biết cách trau dồi các kỹ năng cần thiết nhờ quá trình tự học, không định hình được chuyên môn của bản thân sau này và đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp.

Chính vì vậy, sinh viên rất cần xây dựng cho bản thân thói quen đọc sách. Khi gặp khó khăn, sách sẽ đóng vai trò như một cố vấn tài ba cho những vấn đề chúng ta gặp trong cuộc sống, hoặc là nơi khơi gợi, giữ cảm hứng để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch, dự định mà chính chúng ta đang ấp ủ. Sinh viên càng đọc nhiều càng thu được nhiều từ ngữ mới, giúp bản thân tự tin, tăng khả năng diễn đạt ý tưởng, trình bày và trao đổi với người khác. Điều quan trọng nhất, việc đọc sách sẽ giúp sinh viên tạo lập tư duy độc lập, không bị dẫn dắt theo tư duy người khác, dần tạo tính tự lập, không ỷ lại, tin tưởng vào vốn tri thức của bản thân để học tập, làm việc và ra quyết định.

Ngoài ra, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra đòi hỏi sự chuyên môn hóa cao, có thể rất nhiều công việc sẽ biến mất, nhưng cũng đồng thời tạo ra nhiều cơ hội cho các bạn sinh viên. Điều quan trọng là phải chuẩn bị thật tốt cho bản thân, nhanh nhạy và sẵn sàng nắm bắt khi cơ hội tới. Để tránh tình trạng học nhiều nhưng kiến thức không áp dụng được vào thực tế hoặc học lan man mà không có định hướng, sinh viên cần chủ động tìm đọc những lĩnh vực mà bản thân yêu thích. Việc tự tìm hiểu kiến thức và áp dụng vào thực tiễn công việc mình yêu thích, làm cộng tác viên cho các công ty, đơn vị sẽ giúp các bạn trẻ được cọ xát, hình thành tri thức, qua đó thúc đẩy thói quen tự học. Nếu đọc nhiều, chuyên môn sẽ củng cố mỗi ngày, có sự hiểu biết về nhiều chủ đề, lĩnh vực khác nhau, các bạn trẻ sẽ có cơ hội tuyển dụng và xu hướng thăng tiến hơn.

Việc hình thành thói quen đọc sách của các bạn trẻ hôm nay sẽ quyết định lớn vào sự thành công trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thói quen hôm nay, tri thức ngày mai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.