Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đa dạng hóa hình thức phát triển văn hóa đọc

Mai Hoa thực hiện| 15/10/2017 07:20

(HNM) - Để ngành Xuất bản vượt qua thách thức của tiến trình hội nhập thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như để văn hóa đọc thực sự phát triển theo chiều sâu, cần đa dạng hóa hình thức phát triển văn hóa đọc - Đây là nội dung cuộc trao đổi của phóng viên Báo Hànộimới với ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Alpha Books, Giám đốc Trung tâm Hợp tác trí tuệ Việt Nam (VICC).

Nhiều bạn trẻ chọn mua sách tại hội sách khởi nghiệp tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Anh Tuấn


- Thưa ông, mua sách, sở hữu sách, nhưng nếu không dành thời gian và không tạo không gian tương tác để đọc sách, chúng ta khó có thể nâng cao hiệu quả đọc. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

- Phát triển văn hóa đọc và nền tri thức dân tộc là một chặng đường dài, có tính liên tục. Tôi nghĩ cần nâng những hoạt động hiện nay lên tầm mới, với những cách thức mới, đa dạng và chuyên sâu. Đó là một trong những thách thức lớn mà những người làm sách, và cả các độc giả cần tham gia, chung tay suy nghĩ và hành động. Chúng ta cần nhanh chóng chuyển sang giai đoạn mới, với các hoạt động đi vào thực chất...

- Theo ông, chúng ta có thể làm gì để tạo không gian cho những trao đổi chuyên sâu của các chuyên gia, của giới viết sách?

- Độc giả cần những hội sách chuyên biệt, điều mà chúng ta đang làm. Đã có các hội sách cũ mà chúng tôi khởi xướng, đã có hội sách thiếu nhi... và tới đây, có thể làm hội sách văn học, hội sách tinh hoa, hội sách khởi nghiệp như vừa tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long... Có thể định hình hằng quý tổ chức các hội sách này tại Phố sách Hà Nội, và một năm chỉ nên có một hội sách lớn.

Hội sách lớn cũng nên đi vào chiều sâu và cần chuẩn bị kỹ hơn. Ví dụ, tôi nghĩ chúng ta có thể có những Ngày sách, Ngày văn hóa của quốc gia, tương tự Ngày sách Israel, Ngày sách Tây Ban Nha... Chúng ta đang có những Lễ hội Hoa anh đào rất thành công, nên việc có thể có những Ngày sách Hoa anh đào, Ngày sách K-Book như K-Pop là khả thi.

- Một hoạt động nữa cần hướng đến là phát triển thư viện, ông có khuyến nghị gì?

- Một nền dân trí cao, một văn hóa đọc tốt không thể thiếu các thư viện. Bản thân tôi cũng ngạc nhiên khi biết Đại học Tôn Đức Thắng vừa khánh thành một thư viện hiện đại bậc nhất Việt Nam với mức đầu tư gần 180 tỷ đồng. Chúng ta cần học tập những mô hình như vậy; một thư viện với các hình thức mới, một thư viện mở (không phải dạng khép kín) dành cho đại chúng, được tổ chức và xây dựng ở công viên hẳn là điều tuyệt vời cho mọi người.

Cùng với đó, phải phát triển các câu lạc bộ sách ở các trường học. Nhờ có internet mà việc kết nối, giúp các em quen với sách sẽ dễ dàng hơn. Ở quy mô lớn, đang và sẽ hình thành các câu lạc bộ sách chuyên sâu, như Cộng đồng sách Tinh hoa, Group sách Quản trị và sách Văn học...

- Còn các hội thảo về thư viện, công nghệ, quy trình xuất bản sẽ góp phần giúp ngành Xuất bản vượt qua những thách thức trong tiến trình hội nhập của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0?

- Về các hội thảo chuyên môn, những người làm sách như chúng tôi thiếu vắng những chuyên đề, những hội thảo cho người trong ngành. Chúng tôi cần những hội thảo về công nghệ xuất bản hiện đại trên thế giới, về sự phát triển của các nền tảng (platform) cho ngành Xuất bản. Tôi tin ngành Xuất bản cần những platform mới, cần nhanh chóng đưa công nghệ vào xuất bản. Cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn còn xa vời với người Việt Nam nhưng cũng như các ngành công nghiệp khác, tác động của nó hẳn sẽ rất sâu sắc và mạnh mẽ, thậm chí sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền xuất bản Việt Nam, nếu chúng ta không thay đổi nhanh.

Hiện nay, ngành Xuất bản đã và đang chuyển dịch rất nhanh, thậm chí gần như trùng khít với công nghệ, thương mại điện tử, và giáo dục trực tuyến. Tương lai hội tụ các ngành này, thậm chí cả quảng cáo, truyền thông, giáo dục, xuất bản không còn khoảng cách, không còn ranh giới.

- Rõ ràng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để văn hóa đọc phát triển thực sự theo chiều sâu, đúng tầm giá trị của nó...

- Với Hà Nội, tôi nghĩ Sở Thông tin - Truyền thông đã có nỗ lực tuyệt vời trong những năm qua, khi phát triển văn hóa đọc, tổ chức các Hội sách và Phố sách Hà Nội. Sở cần tiếp tục định hướng này, tổ chức Hội sách cho thành phố theo chiều sâu, với những Ngày văn hóa các Thủ đô, các thành phố kết nghĩa và khích lệ, biểu dương các hoạt động văn hóa.

Với Ngày sách 21-4, thành phố có thể lựa chọn một cuốn sách tiêu biểu cho toàn thành phố hằng năm, hoặc lựa chọn, công bố và khuyến khích đọc 100 cuốn sách chỉ viết về Hà Nội; hoặc triển khai dự án phát triển trên nền tảng wikipedia một không gian riêng về Hà Nội từ trí thức, học giả, từ các nhà xuất bản, các tác giả, các nguồn tư liệu. Đó không chỉ phát triển tri thức, văn hóa mà còn là công cụ hữu hiệu trong việc phát triển du lịch.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng hóa hình thức phát triển văn hóa đọc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.