Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao vai trò chủ quản nhà xuất bản

Mai Hoa| 28/01/2018 07:56

(HNM) - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) nêu ra trong năm 2018 là tăng cường vốn đầu tư cho các nhà xuất bản, chú trọng cải thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị tác nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà xuất bản nâng cao chất lượng ấn phẩm...

Các nhà xuất bản cần sự hỗ trợ của cơ quan chủ quản để có thêm nhiều xuất bản phẩm chất lượng.


Dấu ấn cơ quan chủ quản xuất bản

Bàn về sự đầu tư vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật và các chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động xuất bản, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Nguyên đánh giá: "Năm 2017, mức đầu tư cho nhà xuất bản tăng lên. Nhiều cơ quan chủ quản đã quan tâm, đầu tư về vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật để nhà xuất bản trực thuộc hoàn thành thủ tục cấp đổi giấy phép hoạt động. Đến nay, đã có 37/60 nhà xuất bản đã hoàn thành phần việc này".

Minh chứng cho hiệu quả hoạt động xuất bản nhờ vào sự đầu tư của cơ quan chủ quản, Phó Vụ trưởng Nguyễn Nguyên dẫn số liệu: "Nhiều đơn vị là điểm sáng kinh doanh nổi bật. Nhà Xuất bản Trẻ có doanh thu ước đạt 101 tỷ đồng, Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân có doanh thu hơn 35 tỷ đồng, Nhà Xuất bản Công an nhân dân ước đạt 35 tỷ đồng...".

Doanh thu của các đơn vị xuất bản tuy còn khiêm tốn nhưng đã phần nào cho thấy tín hiệu phát triển tích cực so với giai đoạn khó khăn trước đây, trong đó, không thể không kể đến vai trò của cơ quan chủ quản. Theo đại tá Nguyễn Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, trong năm 2017, Bộ Quốc phòng đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng cho Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, chưa kể việc đầu tư 30 tỷ đồng để hiện đại hóa quy trình xuất bản điện tử, nâng cấp cơ sở vật chất...

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng còn chủ trương đầu tư hàng chục tỷ đồng cho công nghệ in, hiện đại hóa cơ sở in toàn quân. Hiện tại, ngoài Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân là đơn vị sự nghiệp có thu, Quân đội còn có hàng chục doanh nghiệp in phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục...

Không nhiều nhà xuất bản có được sự đầu tư lớn về kinh phí như Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân, nhưng bù lại, nhiều đơn vị được cơ quan chủ quản áp dụng chính sách hỗ trợ về cơ chế, nổi bật Nhà Xuất bản Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật... Nhà Xuất bản Kim Đồng, Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội được đầu tư xây dựng hoặc bố trí trụ sở mới. Nhà Xuất bản Tư pháp được giao tài sản nhà nước với cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp - tổng giá trị tài sản lên tới 38,5 tỷ đồng... Bên cạnh đó là cơ chế đặt hàng.

Hiện có hơn 60% tổng số nhà xuất bản được cơ quan chủ quản đặt hàng sách với kinh phí bình quân khoảng 300 triệu đồng/đơn vị. Bàn về sự vào cuộc của các cơ quan chủ quản, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Chu Văn Hòa đánh giá: "Một số cơ quan chủ quản đã ý thức rõ hơn về trách nhiệm và rất cố gắng tạo điều kiện cho nhà xuất bản hoạt động".

Nhận thức đúng về vai trò của xuất bản

37/60 nhà xuất bản đã hoàn thành thủ tục cấp đổi giấy phép hoạt động, nghĩa là còn hơn 20 nhà xuất bản chưa hoàn thành việc này, chủ yếu do không đáp ứng được yêu cầu về vốn và cơ sở vật chất theo đúng quy định của Luật Xuất bản, đơn cử như trường hợp của Nhà Xuất bản Hội Nhà văn. Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kiêm Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết: "Nhà Xuất bản Hội Nhà văn không có nguồn vốn đầu tư nào ngoài sự động viên, chia sẻ về mặt tinh thần của cơ quan chủ quản là Hội Nhà văn Việt Nam bởi Hội mỗi năm cũng chỉ được nhận hơn 4 tỷ đồng để chi cho việc tổ chức trại sáng tác, hội thảo, hoạt động đối ngoại, đối nội và tất cả các việc khác liên quan tới hơn 1.000 hội viên".

Thừa nhận tình trạng một số nhà xuất bản gặp khó do không được bố trí vốn từ ngân sách, ông Nguyễn Nguyên chỉ ra một thực tế, đó là một số cơ quan chủ quản tạm ứng số vốn 5 tỷ đồng theo quy định của Luật Xuất bản nhưng không đưa số tiền này vào sản xuất, kinh doanh, khiến cho nhà xuất bản không thể chủ động nguồn vốn hoạt động. Cá biệt, do khó khăn trong việc sắp xếp nguồn vốn, có nhà xuất bản nhiều năm không được đầu tư, kể cả đặt hàng, như Nhà Xuất bản Thuận Hóa, Nhà Xuất bản Hải Phòng... Cục trưởng Chu Văn Hòa cho rằng, sự thiếu quan tâm của cơ quan chủ quản là nguyên nhân cơ bản, trong đó, xuất phát điểm là nhận thức chưa đúng về vị trí, vai trò của nhà xuất bản trực thuộc trong nhiệm vụ chung của cơ quan chủ quản...

Năm 2018, cùng với xu thế toàn cầu hóa thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, người dân tiếp tục quan tâm và đòi hỏi ngày càng cao đối với chất lượng của các xuất bản phẩm. Trong bối cảnh đó, cơ quan chủ quản xuất bản cần tiếp tục phát huy vai trò trong việc rà soát, bổ sung các điều kiện hoạt động cho nhà xuất bản. Bên cạnh đó, bản thân các nhà xuất bản cần chủ động vượt khó, năng động làm dịch vụ để tạo thêm nguồn thu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao vai trò chủ quản nhà xuất bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.