Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa bỏ lò gạch thủ công tại xã Đông Phương Yên (Chương Mỹ): Xử lý… trên giấy?

Nguyên Hà| 14/05/2019 07:40

(HNM) - Để xóa bỏ các lò gạch đất sét nung, tháng 10-2018, UBND huyện Chương Mỹ đã có thông báo kết luận về việc xử lý các lò gạch xây dựng trái phép tại khu vực Đồng Xa, Đồng Rộc, thôn Yên Kiện, xã Đông Phương Yên, nhưng đến nay việc xử lý vi phạm vẫn chỉ có hiệu lực… trên giấy, gây bức xúc cho người dân.

Lò gạch thủ công tại xã Đông Phương Yên vẫn đang đỏ lửa...


Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 13-6-2014, UBND xã Đông Phương Yên đã ký Hợp đồng kinh tế số 01/HĐ-UBND giao 22,6ha đất ở khu vực Đồng Xa, thôn Yên Kiện cho ông Trần Quốc Tuấn cùng 4 cá nhân đồng sử dụng diện tích trên vào việc sản xuất gạch theo công nghệ có xử lý khói thải thân thiện với môi trường. Song, do không đủ kinh phí đầu tư nên ngay sau đó ông Tuấn và các cá nhân tham gia nhận thầu đã có đơn xin trả lại 7,66ha cho UBND xã quản lý.

Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngày 29-1-2015, UBND xã Đông Phương Yên tiếp tục ký Hợp đồng nguyên tắc số 01/HĐ-UBND về việc sản xuất gạch theo công nghệ có xử lý khói thải thân thiện với môi trường tại khu đất 7,66ha, thôn Yên Kiện với ông Nguyễn Trọng Cung và ông Nguyễn Văn Lập. Cũng vì thiếu kinh phí đầu tư nên đến tháng 3-2018, ông Cung và ông Lập mới hoàn thiện việc xây dựng lò gạch để sản xuất, kinh doanh.

Ngày 9-5-2019, có mặt tại thôn Yên Kiện, phóng viên nhận thấy, tại khu vực Đồng Xa đang có 2 lò gạch - kiểu lò hopman (1 lò của ông Tuấn, công suất 9 triệu viên/năm; 1 lò của ông Cung và ông Lập, công suất 5 triệu viên/năm) và 1 lò tại cánh Đồng Rộc của ông Nguyễn Tiến Liêm, công suất 5 triệu viên/năm. Điều đáng nói, tất cả 3 lò gạch này đều nằm trên diện tích đất do UBND xã quản lý và chưa được quy hoạch sử dụng vào mục đích sản xuất vật liệu xây dựng, nhưng các chủ lò vẫn ngang nhiên khai thác đất, đun đốt gạch trái quy định.

Do trực tiếp phải hứng chịu khói, bụi từ hoạt động sản xuất của các lò gạch, nhiều năm qua cuộc sống cũng như việc sản xuất nông nghiệp của người dân thôn Yên Kiện bị xáo trộn. Nhất là tuyến giao thông chính nối từ quốc lộ 6 vào khu dân cư (dài 5km) do phải chịu tác động của các xe tải nặng ra vào vận chuyển vật liệu xây dựng khiến tuyến đường dân sinh vốn đã xuống cấp nay càng xập xệ, lởm chởm “ổ voi”, “ổ gà”. Mỗi khi trời mưa, mặt đường chứa đầy bùn đất, trơn trượt gây rất nhiều khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Được biết, thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 29-6-2010 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình sản xuất gạch bằng lò thủ công trên địa bàn thành phố, ngày 17-10-2018, UBND huyện Chương Mỹ đã ban hành Thông báo kết luận số 1271/TB-UBND, kiểm điểm chính quyền xã Đông Phương Yên trong việc chậm ngăn chặn, xử lý các lò gạch xây dựng trái phép trên địa bàn. Đến ngày 8-11-2018, UBND huyện tiếp tục có Công văn số 2901/UBND-QLĐT đôn đốc UBND xã Đông Phương Yên nghiêm túc thực hiện thông báo kết luận trên. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, đến nay các lò gạch này vẫn đang tiếp tục hoạt động, gây bức xúc dư luận.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, ngày 6-2-2019, UBND xã đã thanh lý hợp đồng giao thầu với ông Trần Quốc Tuấn. Đồng thời, ngày 25-3-2019 có Thông báo số 21/TB-UBND đình chỉ hoạt động sản xuất gạch đối với ông Nguyễn Tiến Liêm tại khu Đồng Rộc. Sở dĩ, đến thời điểm này các lò gạch vẫn hoạt động là do chủ lò có đơn xin được tiếp tục đun đốt để tận thu nguyên liệu tồn đọng…(!?).

Để thực hiện nghiêm kết luận của UBND huyện cũng như bảo đảm việc sản xuất nông nghiệp, gìn giữ môi trường sống của người dân, đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ sớm kiểm tra, có biện pháp kiên quyết xử lý dứt điểm những vi phạm nêu trên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xóa bỏ lò gạch thủ công tại xã Đông Phương Yên (Chương Mỹ): Xử lý… trên giấy?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.