Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm gỡ khung pháp lý để bất động sản nghỉ dưỡng phát triển

Dạ Khánh - Hồng Sơn| 22/06/2019 10:33

(HNMO) - Sáng 22-6, Diễn đàn Đầu tư bất động sản 2019:

Quang cảnh diễn đàn


Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho biết, xu hướng đầu tư đất nền tại các điểm du lịch biển đang ngày một phát triển. Tuy nhiên, không ít cảnh báo được đưa ra với các nhà đầu tư khi rót tiền vào phân khúc này trong năm tới.

Báo cáo tổng hợp của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, hiện các dự án đất nền được triển khai rất mạnh tại nhiều điểm du lịch biển trên cả nước. Sản phẩm chủ đạo vẫn là nhà đất và đất nền. Tính riêng năm 2018, lượng cung mới tại các tỉnh ước đạt 100.000 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ bình quân tại các dự án trong năm 2018 đạt trên 60% lượng hàng mỗi đợt chào bán ra thị trường, được đánh giá là tốt hơn so với năm 2017. Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, giá đất nền tại các tỉnh có thể tăng trong biên độ từ 10% đến 15% trong năm 2019.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, đã đến lúc cần nhìn nhận rõ ràng đây không phải là một kênh đầu tư mang tính bền vững mà đơn thuần là đầu tư lướt sóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Bị tồn đọng vốn do tính thời vụ và chịu ảnh hưởng bởi sóng thị trường; mua phải đất không rõ ràng pháp lý, đất lấn chiếm giấy tờ chủ yếu là giấy viết tay giá trị bảo đảm không cao. Một số dự án sau khi phân lô bán đất xong, thu tiền của khách hàng rồi nhưng lại bỏ hoang hoặc thay đổi quy hoạch.

Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho biết, diễn đàn được tổ chức lần này nhằm đưa ra những dự báo về rủi ro khi đầu tư đất nền, đồng thời tìm kênh đầu tư an toàn bền vững.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, cùng với xu hướng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua, đã có số lượng lớn condotel (căn hộ kết hợp lưu trú ngắn hạn) đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, tính pháp lý của condotel hiện vẫn chưa rõ ràng, đây là bất động sản để ở hay kinh doanh... Do đó, nhà đầu tư đã mua trước đó thì lo lắng về tính pháp lý trong sở hữu, trong khi nhà đầu tư mới khá phân vân quyết định tham gia đầu tư... Do đó, tính đến thời điểm hiện tại, việc sở hữu condotel đã được doanh nghiệp kiến nghị rất nhiều. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đã nhiều lần đề xuất.

Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa có sự cải thiện. Thị trường bất động sản đang rất cần phải có nghị quyết, hướng dẫn nhiều hơn để thực hiện. "Vấn đề bảo trì condotel trong bất động sản nghỉ dưỡng như thế nào? Chia sẻ lợi nhuận ra sao cũng chưa có hướng dẫn cụ thể trong các văn bản pháp lý của nhà nước" - ông Nam nói.

Sớm gỡ vướng pháp lý

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, giải pháp cần làm là bổ sung các quy định vào Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản về phương thức quản lý các bất động sản đa công năng: Condotel, officetel (văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn), villa resort (biệt thự du lịch)...

Về đất đai, cho phép chủ đầu tư dự án bất động sản có mục tiêu phục vụ kinh doanh du lịch được quyền lựa chọn hình thức sử dụng đất lâu dài gắn với nộp tiền sử dụng đất ở hoặc hình thức sử dụng đất có thời hạn gắn với nộp tiền thuê đất kinh doanh - dịch vụ, tương ứng với từng phần diện tích đất đai phù hợp với dự án.

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, về quản lý bất động sản, cần đưa quy định về nguyên tắc chấp nhận một số công năng được phép và yêu cầu đối với các bất động sản đa công năng.

Riêng về khung pháp lý, ông Đỗ Huy Hoàng, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Luật Du lịch năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) cũng đã xác định condotel là căn hộ du lịch, không phải nhà ở. Do đó, cơ sở pháp lý của loại hình bất động sản này đã rõ ràng hơn trước. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét dự kiến sửa Luật Đất đai.

Tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Xây dựng phải bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà ở chung cư, condotel, villa resort, officetel...

Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để sửa đổi các quy định, thông tư, các quy chuẩn về xây dựng, quy chế quản lý kinh doanh condotel, officetel.... Dự kiến, cuối năm 2019 sẽ ban hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm gỡ khung pháp lý để bất động sản nghỉ dưỡng phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.