Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai

Nguyễn Lê| 06/09/2019 07:36

(HNM) - Với diện tích 2.061km2, thành phố Hồ Chí Minh có đủ không gian để phát triển đô thị, dịch vụ. Tuy nhiên, hiện thành phố chưa khai thác hết tiềm năng và giá trị quỹ đất để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc chuyển đổi một phần đất trồng lúa kém hiệu quả sang đất đô thị, dịch vụ được xem là xu thế tất yếu để sử dụng đất đai một cách hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa

Quận 7 là một trong những địa phương ở thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ đô thị hóa nhanh trong những năm qua. Những cụm chung cư mọc lên san sát, mang dáng dấp của đô thị hiện đại. Tuy nhiên, quận vẫn còn hàng chục héc ta đất nông nghiệp nhưng từ lâu có rất ít hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ngay tại trục đường Nguyễn Văn Linh, nhiều diện tích lớn hai bên đường vẫn là đất nông nghiệp bị bỏ hoang hoặc được tận dụng để xây dựng những nhà xưởng tạm bợ. Ông Trần Văn Tâm ở phường Tân Phong (quận 7) đang sở hữu 1.000m2 đất nông nghiệp để hoang hóa ven đường Lê Văn Lương (phường Tân Phong, quận 7) cho biết, ông mong muốn thành phố cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng để phát huy hết tiềm năng của khu đất này.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, giảng viên cao cấp Khoa Đô thị học (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), đất nông nghiệp của thành phố hiện chiếm khoảng 55% tổng diện tích đất, nhưng đóng góp của nông nghiệp vào GRDP của thành phố chỉ đạt 0,8%. Trong khi đó, đất cho công nghiệp, dịch vụ chiếm 8%, nhưng đóng góp đến 99% GRDP.

Nhằm tạo quỹ đất cho phát triển đô thị, từ cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để thành phố Hồ Chí Minh được chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp thành đất dịch vụ, công nghiệp, đô thị. Thực hiện chủ trương này, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra lộ trình cụ thể. Theo đó, quỹ đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng ở các quận 2, 9, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, vốn là đất trồng lúa và đất trồng cây lâu năm, nhưng đã nhiều năm không thể canh tác bởi tác động của đô thị hóa, ô nhiễm nguồn nước... 

Tuy nhiên, các cấp chính quyền thành phố Hồ Chí Minh không vội vàng trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bởi giá trị đất sau chuyển đổi sẽ tăng rất cao; nếu không cẩn trọng, rất dễ dẫn đến việc để lợi ích nhóm ảnh hưởng đến lợi ích chung của toàn thành phố. 

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ ban hành những cơ chế chính sách mạnh mẽ, ưu đãi về đất đai, thuế, đầu tư, xây dựng, tổ chức quản lý và vận hành cơ sở vật chất mà người dân - doanh nghiệp đầu tư liên quan đến đất đai để thu hút tốt hơn nữa các nguồn lực. Hạ tầng phát triển thì dịch vụ sẽ phát triển - đó cũng là mục tiêu phát triển lâu dài, mang tính chiến lược của thành phố Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.