Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý quy hoạch, sử dụng đất

Nguyễn Lê| 07/10/2019 13:21

(HNM) - Hiện thành phố Hồ Chí Minh cũng như một số tỉnh lân cận đang là điểm nóng về chuyển nhượng quyền sử dụng đất nền khi tình trạng trục lợi, lừa đảo liên tục xảy ra. Để chấn chỉnh, các cơ quan chức năng đã, đang xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức liên quan có vi phạm, đồng thời siết chặt quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai.

Bà Nguyễn Kim Yến (ở quận 7, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Năm 2007, bà ký hợp đồng với đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Phát triển nhà Ô Cấp, đăng ký 2 nền đất dự án Khu dân cư số 1 Tây Nam (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bằng hình thức góp vốn và đã thanh toán 95% giá trị. “Nhưng 12 năm nay tôi vẫn chưa nhận được nền đất nào, dù trong hợp đồng ghi rõ không quá 18 tháng chủ đầu tư phải bàn giao “sổ đỏ” (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cho khách hàng”, bà Yến bày tỏ.

Ngày 21-8-2019, cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại dự án Khu dân cư số 1 Tây Nam đối với Công ty cổ phần Phát triển nhà Ô Cấp (có trụ sở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Hay mới đây, ngày 13-9-2019, cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Hồ Chí Minh) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh) liên quan đến các hành vi sai phạm trong kinh doanh đất đai.

Với đặc thù là giá trị tài sản lớn, lợi nhuận “khủng”, không ít trường hợp, cả bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng đều không ngần ngại sử dụng nhiều chiêu trò để trục lợi. Đánh vào tâm lý “hám lợi” của không ít người, nhiều doanh nghiệp bất động sản (đơn cử như Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) đã tự “vẽ” ra dự án (thực chất là dự án “ảo”, không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt) để bán cho khách hàng. 

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam) cho rằng, chính sách pháp luật hiện hành còn nhiều lỗ hổng trong quản lý tài nguyên đất đai. Trong đó, lỗ hổng trong quy hoạch, quản lý và sử dụng đất cần được “trám” kịp thời. Các địa phương phải chấm dứt việc giao đất, cho thuê đất để nhà đầu tư thực hiện dự án mà không thông qua đấu giá. Hiện nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng các kẽ hở trên để sử dụng đất sai mục đích, phân lô chuyển nhượng nền khi chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất cho Nhà nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan, những “đầu nậu”, “cò” đất tại địa phương có liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để thao túng đất đai thì chính quyền lại chưa nhận diện, chưa chỉ đích danh nên chưa xử lý được. Chính vì vậy, cần có giải pháp nhận diện những trường hợp này để xử lý nghiêm minh. Trước mắt, các cơ quan chức năng phải siết chặt quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai. 

Hiện các địa phương của thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động thông báo công khai những dự án phát triển đô thị đủ điều kiện triển khai; cũng như cảnh báo những dự án mà doanh nghiệp rao bán nhưng chưa được phê duyệt, chưa có chủ trương đầu tư để người dân có thông tin, chủ động bảo vệ quyền lợi của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý quy hoạch, sử dụng đất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.