Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Mỹ - EU: Khoảng cách ngày càng xa

Quỳnh Dương| 19/05/2018 07:55

(HNM) - Cách đây hơn một năm, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có nhiều quan điểm đối ngoại phi truyền thống nhậm chức, một số chính khách Châu Âu đã lo ngại về tương lai của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Sản phẩm thép của EU sẽ bị Mỹ áp thuế 25%.


Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây thừa nhận, quan hệ Châu Âu - Mỹ đang bị thụt lùi sau khi Washington quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran và các cường quốc trong nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) vào năm 2015 - còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Đặc biệt, lời cảnh báo của “chú Sam” đe dọa trừng phạt các nước tiếp tục giao dịch với Iran, trong đó có cả đồng minh Châu Âu được xem như động thái sẽ đẩy quan hệ hai bên vào thời kỳ ảm đạm.

Không khó để nhận ra, sau rất nhiều nỗ lực thuyết phục Mỹ bất thành, EU đã quyết định tìm lối đi riêng. Bất chấp việc Washington tìm cách gây sức ép nhằm buộc các bên còn lại trong nhóm P5+1 hủy bỏ JCPOA, các cường quốc Liên minh Châu Âu (EU) đang nỗ lực thiết lập một khuôn khổ chung nhằm duy trì thỏa thuận với Iran. Ngay trong ngày 18-5, EU đã kích hoạt "cơ chế phong tỏa" nhằm bảo vệ các doanh nghiệp Châu Âu và đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể gây ảnh hưởng tới các công ty EU đang sản xuất, kinh doanh tại Iran. Theo đó, Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ khởi động tiến trình kích hoạt một đạo luật cấm các công ty thuộc khối này tuân thủ các trừng phạt của Mỹ chống Iran và không công nhận bất cứ phán quyết nào của tòa án yêu cầu thực hiện lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo một thống kê gần đây, sau thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa Iran và nhóm P5+1 tháng 7-2015, Châu Âu đã đẩy mạnh hợp tác đầu tư, kinh doanh với Iran. Trong ba năm qua, thương mại của EU với Iran đã tăng gấp 3 lần, từ mức 7,7 tỷ euro năm 2015 lên 21 tỷ euro vào năm 2017. Tuy nhiên, những rủi ro từ lệnh trừng phạt của Mỹ có nguy cơ khiến mọi việc bị đình trệ. Đây sẽ là "giọt nước tràn ly" về những bất đồng âm ỉ giữa hai bên suốt thời gian qua. Trước đó, Châu Âu cũng tỏ ra bất mãn với nhiều chính sách của Mỹ như tăng áp lực tiền bạc lên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), rút khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris, chuyển Đại sứ quán tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem. Và hiện tại, nguy cơ nổ ra cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và EU đang cận kề khi hai bên chưa có dấu hiệu nào tỏ ra nhượng bộ.

Trong một bước đi mới nhất, EU cho biết sẽ áp thuế với các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm mặt hàng xe máy và rượu whisky. Dự kiến mức thuế này sẽ là 25% từ ngày 20-6-2018 và tăng lên mức 50% từ ngày 23-3-2021. Đây là biện pháp nhằm trả đũa việc Mỹ áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm của nhiều nước, trong đó có EU. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire phải thốt lên rằng “không thể chấp nhận việc Mỹ hành động như một cảnh sát kinh tế thế giới”. Trong khi cựu đại sứ Đức tại Mỹ Wolfgang Ischinger đặt câu hỏi “có phải liên minh xuyên Đại Tây Dương đã chết?”.

Châu Âu cho rằng, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran không chỉ khiến lục địa này phải gánh chịu thiệt hại về kinh tế mà còn phải đối mặt với những nguy cơ bất ổn an ninh nếu chiến tranh xảy ra giữa Iran và Israel hay Saudi Arabia. Cựu đại sứ Mỹ tại NATO I.Daalder còn bày tỏ lo ngại, nếu Tổng thống D.Trump tiếp tục những chính sách “Nước Mỹ trên hết” mà không quan tâm tới đồng minh, Châu Âu có thể sẽ quyết định tự đi con đường của mình và đoạn tuyệt với Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Mỹ - EU: Khoảng cách ngày càng xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.