Theo dõi Báo Hànộimới trên

Muốn là số một Đông Nam Á, Việt Nam đừng quan tâm hạt giống SEA Games

Theo Zing| 19/04/2019 08:39

Nhiều độc giả cho rằng, với mục tiêu vô địch, đội tuyển U22 Việt Nam không cần quan tâm chuyện phân loại hạt giống tại SEA Games 30.

Ở nội dung bóng đá nam SEA Games 30 - nơi Việt Nam chưa từng một lần giành HCV, tranh cãi sớm bùng lên khi chủ nhà Philippines công bố danh sách 4 nhóm hạt giống, trong đó U22 Việt Nam xếp ở nhóm 4 cùng Lào, Campuchia, Brunei và Timor Leste.

Mục tiêu của U22 Việt Nam là giành tấm HCV tại SEA Games 30.


Việt Nam lẽ ra thuộc nhóm hạt giống số 3

Việc phân loại hạt giống này hứa hẹn gây không ít khó dễ cho đoàn quân của HLV Park Hang-seo khi hành quân đến Philippines vì dễ rơi vào "bảng tử thần". Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã gửi văn bản đến Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC) nhờ can thiệp xem xét lại kết quả này.

Nhiều độc giả đã để lại bình luận trái chiều. Một số người đồng ý với hành động của VFF khi cho rằng U22 Việt Nam đang bị làm khó ngay từ việc phân loại hạt giống.

Nhiều độc giả phân tích, nếu tính theo thành tích SEA Games 29, Việt Nam phải xếp cùng nhóm số 3 với Myanmar. Thứ nhất, Thái Lan là đội giành HCV, xếp hạt giống số 1 cùng với chủ nhà Philippines. Thứ hai, Malaysia giành HCB, cùng nhóm số 2 với Indonesia đoạt HCĐ.

"Việt Nam và Singapore bị loại ở vòng bảng, nếu không tính thành tích đội xếp cuối cùng, Việt Nam sẽ có 7 điểm trong khi Singapore có 6 điểm. Đáng lẽ Việt Nam phải nằm ở hạt giống số 3 thay vì nằm ở hạt giống số 4 cùng với Campuchia, Lào, Timor Leste và Brunei", người này nêu ý kiến.

Một độc giả có tên Lưu Văn Mạnh đồng tình với phân tích trên: "Việt Nam và Myanmar cùng nhóm mới phải, dù tính thế nào chăng nữa. Thành tích ở SEA Games 29 của Việt Nam luôn hơn Singapore dù xét hay không xét thành tích với đội đứng thứ 6. Còn đặt bàn cân lịch sử SEA Games, thì Việt Nam cũng không kém Singapore là bao. Chúng ta đang bị xử ép thật sự".

Ngoài khả năng rơi vào bảng tử thần, nhiều người còn lo ngại đến việc phong độ của U22 Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng với cách phân loại hạt giống này.

Độc giả Tuấn bình luận: "Thứ nhất, đá nhiều trận; thứ hai, không được ưu tiên giờ giấc; thứ ba, thể lực cầu thủ bị bào mòn; thứ tư, vấn đề đội hình cũng sẽ liên tục thay đổi theo từng trận. Rất nhiều khó khăn đó, VFF đệ đơn là đúng...".

Việt Nam cần chứng minh là số một Đông Nam Á.


Việt Nam đừng ngại "bảng tử thần"

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng: "Đã là ứng cử viên vô địch thì không cần quan tâm chuyện hạt giống".

Một người khẳng định: "Chẳng cần khiếu nại, vì ứng cử viên vô địch có nghĩa là phải thắng tất cả đối thủ, vậy cần gì hạt giống số mấy và bỏ cái từ bảng đấu tử thần đối với Việt Nam ở SEA Games. U22 Việt Nam thuộc nhóm hạt giống thứ 4, nhưng các đội số 1 gặp chúng ta phải gọi là rơi vào bảng đấu tử thần thì mới xứng đáng".

"Ông Park Hang-seo mới tuyên bố Việt Nam đang là số một Đông Nam Á, thì việc gì phải ngại rơi vào bảng tử thần. Tại sao lại không nghĩ các nước khác phải dè chừng khi gặp chúng ta lúc này?", độc giả khác đồng tình.

Năm 2018, bóng đá Việt Nam đã chứng minh vị trí số một Đông Nam Á trên mọi cấp độ khi vô địch AFF Cup, về nhì U23 châu Á, lọt top 4 ASIAD hay giành vé tứ kết Asian Cup.

Đó là lý do khiến nhiều người không ngạc nhiên khi Việt Nam bị xử ép: "Muốn vô địch chúng ta phải vượt qua những đội mạnh nhất. Chúng ta là 'tử thần' của Đông Nam Á rồi thì chẳng sợ bảng tử thần nào cả".

"Việt Nam muốn chứng tỏ đứng đầu khu vực Đông Nam Á thì không sợ bảng tử thần nhé, nên tạo tâm lý thoải mái không ngán bất kỳ đối thủ dù rơi bảng nào. Ngược lại, bảng tử thần nên sợ Việt Nam", một số độc giả cho biết.

Phân nhóm hạt giống môn bóng đá nam SEA Games 30:

Nhóm hạt giống số 1: U22 Thái Lan, U22 Philippines

Nhóm hạt giống số 2: U22 Malaysia, U22 Indonesia

Nhóm hạt giống số 3: U22 Myanmar và U22 Singapore

Nhóm hạt giống số 4: U22 Việt Nam, U22 Lào, U22 Campuchia, U22 Brunei và U22 Timor Leste
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Muốn là số một Đông Nam Á, Việt Nam đừng quan tâm hạt giống SEA Games

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.