Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp thiết nâng cao văn hóa cổ động

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 19/09/2019 06:41

(HNM) - Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ việc nhóm cổ động viên Câu lạc bộ Bóng đá Dược Nam Hà (Nam Định) bắn pháo sáng trên Sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội) khiến một khán giả nữ bị trọng thương. Vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về văn hóa ứng xử của một bộ phận cổ động viên bóng đá nói riêng và thể thao nói chung. Báo Hànộimới đã ghi nhận một số ý kiến, nhấn mạnh các cơ quan chức năng cần tăng cường các giải pháp để nâng cao văn hóa cổ động.

Sân vận động Hàng Đẫy, nơi xảy ra vụ bắn pháo sáng khiến cổ động viên nữ bị trọng thương ngày 11-9-2019. Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn

Ông Lê Hoài Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam:
Xây dựng văn hóa cổ động tại các sân bóng

Liên quan đến sự cố mất an ninh, an toàn trong trận đấu giữa Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội và Câu lạc bộ Bóng đá Dược Nam Hà (Nam Định) tối 11-9-2019 trên Sân vận động Hàng Đẫy, Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã chỉ đạo các bộ phận liên quan phối hợp và đề nghị cơ quan Công an xác minh, điều tra các đối tượng gây rối để xử lý theo quy định pháp luật, tăng cường phương án bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn tại các vòng đấu tới. Để ngăn chặn triệt để tình trạng này, về biện pháp kỹ thuật, trước mắt có thể bố trí các cổng từ để kiểm tra an ninh, lắp đặt camera ở khu vực khán đài nhằm chủ động kiểm soát tình hình trong sân vận động…

Tuy nhiên, đó chỉ là phần ngọn, phần gốc cần giải quyết ở đây chính là việc chung tay của xã hội trong nâng cao nhận thức, xây dựng văn hóa ứng xử của mỗi người hâm mộ khi đến sân bóng cổ vũ cho các đội. Theo đó, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cổ động viên, kiên quyết ngăn chặn những người quá khích, gây mất trật tự và có hành vi làm ảnh hưởng đến hình ảnh bóng đá Việt Nam cũng như của giải đấu.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp:
Loại trừ những “con sâu” để môi trường thể thao luôn trong sạch

Theo Điều 5, Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15-4-2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo thì hành vi sử dụng pháo sáng có tính sát thương cao không được phép sử dụng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Sau khi vụ việc đốt pháo sáng xảy ra tại Sân vận động Hàng Đẫy, ngày 14-9-2019, Công an quận Đống Đa đã ra quyết định khởi tố vụ án nhằm làm rõ hành vi “Gây rối trật tự công cộng” và “Chống người thi hành công vụ”. Với sự vào cuộc của cơ quan điều tra, chắc chắn vụ việc sẽ được xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh là việc xây dựng văn hóa trong cổ động. Vì vậy, bên cạnh các biện pháp an ninh, mỗi cổ động viên chân chính hãy chung tay phát hiện và loại trừ những “con sâu” này ra khỏi đời sống bóng đá nói riêng và thể thao nói chung.

Anh Nguyễn Quốc Bảo, số 4 Lê Quý Đôn, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng:
Đừng để pháo sáng phủ “bóng đen” lên bóng đá Việt Nam

Vụ bắn pháo sáng trên Sân vận động Hàng Đẫy ngày 11-9 đã gióng lên hồi chuông về văn hóa cổ động.

Đây không phải lần đầu tiên pháo sáng được “khai hỏa” ở các trận đấu trên Sân vận động Hàng Đẫy. Về hành vi này, rất nhiều câu lạc bộ đã bị xử phạt khi để xảy ra vụ việc tương tự. Tuy nhiên, có một số cổ động viên của Câu lạc bộ Bóng đá Dược Nam Hà (Nam Định) đã đưa việc làm sai trái này lên mức đáng báo động, đó là sử dụng pháo sáng (loại pháo sáng để ngư dân dùng làm tín hiệu khi đi biển) bắn ngang sân vận động, chứ không chỉ đơn thuần là loại pháo có tỷ lệ “sát thương” thấp như các vụ trước đây.

Điều này cho thấy, văn hóa cổ động bóng đá nói riêng và các môn thể thao nói chung tại Việt Nam đang có dấu hiệu tiêu cực, dù các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp trong vấn đề này. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, như: Ý thức kém của một bộ phận cổ động viên; công tác kiểm tra, giám sát an ninh còn hạn chế… Dư luận mong mỏi cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm những trường hợp này để đưa ra lời cảnh tỉnh cho tất cả các cổ động viên.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai:
Siết chặt công tác bảo đảm an ninh tại các sân bóng đá

Vợ chồng tôi thường xuyên đi cổ vũ các trận bóng đá tại các sân vận động trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, điều khiến tôi chưa hài lòng khi tới các sân cỏ hiện nay là đâu đó vẫn xảy ra các vụ vi phạm quy định pháp luật do cổ động viên gây ra. Vụ việc xảy ra tại trận đấu bù vòng 22 V-League 2019 trên Sân vận động Hàng Đẫy tối 11-9 vừa qua là một ví dụ. Được biết, từ đầu mùa giải đến nay, Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã ban hành nhiều án phạt nặng đối với các câu lạc bộ, sân vận động để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng “làm loạn” các trận đấu bóng đá. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng này vẫn liên tục tái diễn.

Qua đây có thể thấy, công tác quản lý của một số Ban tổ chức sân bóng đá chưa chặt chẽ khiến pháo sáng vẫn được đưa vào sân, gây mất an ninh trật tự và an toàn của khán giả. Theo tôi, để chấm dứt vấn nạn đốt pháo sáng trong sân vận động, ngoài việc nâng chế tài xử phạt, siết chặt công tác bảo đảm an ninh tại các sân bóng đá, rất cần sự chung tay của cả xã hội. Đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp có thẩm quyền để xử lý nghiêm minh với hành vi mang tính chất nguy hiểm này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp thiết nâng cao văn hóa cổ động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.