Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Đẩy mạnh đánh giá độc lập việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính"

Theo Lê Sơn/Chính phủ| 15/05/2019 19:20

Đây là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn


Chủ động tư vấn, đề xuất các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách và TTHC

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, với nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính và xác định cải cách TTHC là khâu then chốt. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Hội đồng Tư vấn với mong muốn phát huy vai trò, khuyến khích sự tham gia của khối kinh tế tư nhân góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như thúc đẩy việc cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh. Điều này thể hiện sự tin tưởng của Thủ tướng Chính phủ đối với Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC và hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh…

Bày tỏ sự nhất trí với định hướng hoạt động của Hội đồng Tư vấn và nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 và những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC và từng thành viên tập trung thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ sau đây:

Tích cực, chủ động nghiên cứu, tư vấn, đề xuất các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách và TTHC để mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và người dân cũng như cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó, cần tập trung vào những vấn đề thể chế còn nhiều khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề trọng tâm, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: Thuế, hải quan, đầu tư, đất đai, xây dựng, tiếp cận điện năng, kiểm tra quản lý chuyên ngành…

“Chính phủ luôn luôn lắng nghe để chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định.

Theo đó, các thành viên Hội đồng tích cực tham gia ý kiến đối với cơ chế, chính sách, TTHC trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời, phản hồi về tính khả thi, tính hợp lý cũng như chi phí tuân thủ TTHC của các TTHC đã ban hành.

Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là đề cao tính minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo đối với văn bản còn khiếm khuyết, không phù hợp, thiếu khả thi... Tuy nhiên, ý kiến góp ý phải hết sức rõ ràng, cụ thể; giải pháp nêu ra phải phù hợp và giải quyết được các vấn đề của thực tiễn để cơ quan quản lý hoặc người có thẩm quyền có thể quyết định được ngay, tránh những ý kiến thiếu xác đáng, một chiều.

Những đột phá mới cho giai đoạn mới

Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, hiện nay, có nhiều ý kiến đặt ra cần xác định những khâu đột phá mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, những yêu cầu của đổi mới sáng tạo, đầu tư cho hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, cải cách thể chế, chính sách, phát luật, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… Đây cũng là những vấn đề được xem xét cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.

“Đối với một dân tộc trong chiến tranh thì khát khao thống nhất đất nước, trong hòa bình thì khát khao xây dựng phát triển để thực hiện ước mơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu. Thế hệ trẻ Việt Nam cũng như các doanh nghiệp rất năng động, sáng tạo. Đây cũng là khát vọng để thúc đẩy các thành phần kinh tế, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị nỗ lực thực hiện”, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết.

Ảnh: VGP/Lê Sơn


Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng nêu ra câu hỏi đang đặt ra hiện nay. Đó là các giải pháp để tiếp tục cải cách thể chế, cải cách hành chính và TTHC được xác định hết sức quan trọng. Đó là, từ việc cải cách thể chế như pháp luật, phương thức vận hành của bộ máy nhà nước, trách nhiệm, đạo đức công vụ, tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, ý thức phục vụ người dân và doanh nghiệp.

“Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường xử lý và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Bởi ngoài chi phí giải quyết thủ tục hành chính theo luật vẫn còn dư luận các doanh nghiệp phải chi phí ngoài luồng”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Đây cũng là chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu cần phải khắc phục tình trạng này và Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo, ban hành Chỉ thị. Sắp tới đây, tập trung chỉ đạo để lan tỏa mạnh hơn trên tinh thần của Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.

Hội đồng đã tư vấn trúng, đúng vấn đề của thực tiễn cuộc sống

Đánh giá về hoạt động của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, Hội đồng Tư vấn đã làm việc hết sức trách nhiệm và có hiệu quả trong tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó đã lắng nghe, đối thoại với các bộ, ngành, địa phương sát với thực tiễn, trúng và đúng vấn đề chứ không phải tư vấn bằng lý thuyết, đáp ứng yêu cầu của đổi mới sáng tạo, tháo gỡ những “nút thắt”, vướng mắc, khó khăn.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, qua tiếp xúc cử tri, nhân dân phản ánh hiện nay các bộ, ngành còn nhiều rào cản, nhiều thủ tục hành chính cần cải cách lại chưa cải cách, đây chính là “nút thắt”, cần lắng nghe địa phương, doanh nghiệp họ nói gì, cần gì để tháo gỡ kịp thời.

“Chúng ta cứ nói trải thảm kêu gọi đầu tư nhưng có những thủ tục đến vài năm làm nhà đầu tư nản lòng”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Đồng thời, muốn khắc phục tình trạng này, chúng ta phải thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương về tinh giản bộ máy và biên chế, hiệu lực hiệu quả, phương thức vận hành của bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Ảnh: VGP/Lê Sơn


Đẩy mạnh việc đánh giá độc lập việc thực hiện cải cách TTHC

Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động đánh giá độc lập việc thực hiện cải cách TTHC tại bộ, ngành, địa phương. Trong đó, tập trung vào việc xây dựng, khảo sát, đánh giá theo chuyên đề như: Về tình hình, kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, hải quan, tiếp cận điện năng; về chi phí tuân thủ TTHC… để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố công khai cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.

Hằng năm, Hội đồng Tư vấn thực hiện đánh giá và công bố Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC là một hoạt động có ý nghĩa nhưng cần phải cẩn trọng trong thực hiện, việc đánh giá phải thực chất và hiệu quả.

Đồng thời, chủ động đối thoại giữa Hội đồng tư vấn với các bộ, ngành và địa phương đang có nhiều vấn đề lớn đặt ra như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đồng Nai, Bình Dương… để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là kinh tế khu vực tư nhân.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý Hội đồng Tư vấn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về cải cách TTHC, trong đó tập trung vào những nội dung như: Giới thiệu những điểm mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến trong việc giải quyết TTHC; những kết quả của việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; Nghị quyết số 02/NQ-CP Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phải lan tỏa được khí thế và tạo động lực cải cách tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân để huy động sự tham gia của toàn xã hội vào việc xây dựng, phát triển đất nước.

Nhanh chóng khắc phục “khoảng trống” về pháp luật như Luật Đầu tư công, Luật Đất đai để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Có như vậy mới góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, góp phần giải phóng các nguồn lực xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Đẩy mạnh đánh giá độc lập việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.