Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi): Tránh “bình mới, rượu cũ”

Hà Phong| 09/09/2016 08:23

(HNM) - Theo chương trình xây dựng pháp luật, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp sắp tới.


Mới nhưng chưa đột phá

Theo Thanh tra Chính phủ, trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) mới nhất, có khá nhiều giải pháp mới nhằm kiểm soát, phát hiện tham nhũng. Đó là dạy liêm chính ngay tại trường học. Dự thảo luật đề xuất, Bộ GD-ĐT cùng các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành giáo trình, tài liệu giảng dạy về nhân cách, đạo đức, lối sống và văn hóa chống tham nhũng cho học sinh, sinh viên; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho giảng viên giảng dạy về liêm chính; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, đánh giá việc giảng dạy về liêm chính… Dự thảo cũng đề xuất quy định, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thanh toán qua tài khoản mọi khoản chi có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên, trừ trường hợp ở địa bàn chưa đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng để thực hiện theo danh mục do Ngân hàng Nhà nước công bố hằng năm. Mọi khoản chi từ ngân sách nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều phải thực hiện thông qua tài khoản. Điểm nhấn quan trọng khác, theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Tuấn Anh, dự thảo đã tách nhóm quy định về minh bạch tài sản, thu nhập thành một chương riêng với nhiều điểm mới. Trong đó, quy định rõ việc kê khai, quản lý bản kê khai, theo dõi biến động, xác minh, xử lý vi phạm về minh bạch tài sản, thu nhập và xử lý tài sản, thu nhập không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý… hướng tới khắc phục việc kê khai hình thức, không giúp kiểm soát được biến động tài sản như hiện nay.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đình Quyền: “Tôi rất buồn với dự thảo luật. Chúng ta cứ bàn kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm thì phải giải trình, công khai, minh bạch. Nhưng người có chức vụ, quyền hạn có dại gì mà đi đứng tên tài sản đâu”.

Dù vậy, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Ngọc Đường nhận định, cơ chế kiểm soát tham nhũng được nêu trong dự thảo luật không có tính đột phá, phụ thuộc vào ý thức, đạo đức cán bộ. Theo ông Trần Ngọc Đường, trong đấu tranh chống tham nhũng hiện nay, phát hiện là khâu yếu nhất. Dân thấy tham nhũng rất rõ nhưng để khơi dậy và hình thành được cơ chế phát hiện, tố cáo tham nhũng, mấu chốt là phải có chính sách hữu hiệu để bảo vệ người chống tham nhũng không bị trả thù.

Tiếp tục hoàn thiện dự thảo

Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ nhận định, những lo lắng về kiểm soát tham nhũng chưa hiệu quả là có cơ sở. Tham nhũng ngày càng tinh vi, số tiền thu lợi bất chính lớn, do vậy cần có giải pháp xử lý thích đáng. Ở các nước phát triển, nếu không chứng minh được nguồn gốc tài sản sẽ bị tịch thu nhưng dự luật không đặt ra vấn đề này. Việc xây dựng luật phải quán triệt được nguyên tắc “3 không” (không cần tham nhũng, không thể tham nhũng, không dám tham nhũng).

Một số ý kiến cũng cho rằng, với nguyên tắc lãnh đạo tập thể, quy trình tập thể như hiện nay thì không ít cá nhân lợi dụng tập thể và lợi dụng quy trình để tham nhũng bằng công tác cán bộ, thu lại những khoản kếch xù nhưng không có giải pháp khắc phục triệt để. Như trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh lần lượt giữ các chức vụ lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) rồi các vị trí tại Bộ Công Thương và đến chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang vào năm 2015 là đúng theo cơ chế tập thể lãnh đạo nhưng nhiều người cho rằng lãnh đạo đứng đầu đã quyết. Tương tự ở nhiều cơ quan, đơn vị; nếu không kiểm soát tốt, rất dễ xảy ra hiện tượng người đứng đầu lợi dụng quy trình tập thể để hợp thức hóa ý chí cá nhân, vì cấp dưới không dám nói. Theo luật sư Trần Ngọc Vượng - Đoàn luật sư Hà Nội, nên nghiên cứu, hình thành cơ chế kiểm soát với những đối tượng chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Qua thanh tra, kiểm tra, phát hiện dấu hiệu tham nhũng thì phải chuyển ngay cơ quan điều tra, chứ không kiểm tra đi, kiểm tra lại, tạo cơ hội cho người vi phạm tẩu tán tài sản.

Trước những phản hồi của dư luận, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, nội dung phòng và chống tham nhũng được lồng ghép với nhau trong dự thảo luật này nhưng quan điểm của Thanh tra Chính phủ nghiêng về phòng ngừa là chính. “Chúng tôi căn cứ vào luật cũ để xây luật mới. Hiện nay dự thảo luật vẫn đang được Thanh tra Chính phủ lấy ý kiến góp ý rộng rãi để hoàn thiện với chất lượng cao nhất” - ông Nguyễn Văn Thanh cho biết.

Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016, qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ngành Thanh tra đã phát hiện 35 vụ, 71 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng; cơ quan điều tra thụ lý điều tra 236 vụ án, 609 bị can phạm tội về tham nhũng; Viện KSND các cấp đã truy tố 236 vụ, 548 bị can về các tội danh tham nhũng.

Kết quả xử lý các vụ án tham nhũng cho thấy, tỷ lệ cho hưởng án treo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử dưới khung luật định đối với các vụ án tham nhũng tại địa phương còn cao. Đơn cử, tỉnh Thanh Hóa xét xử 8 bị cáo về các tội danh tham nhũng, cho hưởng án treo 3 bị cáo, 25% số bị cáo được xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Nghệ An xét xử 7 bị cáo phạm tội về tham nhũng thì 3 bị cáo được hưởng án treo, 100% số bị cáo được xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi): Tránh “bình mới, rượu cũ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.