Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quốc hội nghe và thảo luận hai dự án luật quan trọng

Hương Ly| 29/05/2018 14:24

(HNMO) - Sáng 29-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.


Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua 12 năm thi hành, Luật Giáo dục đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển giáo dục và đào tạo Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình.


Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi vào năm 2017; chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học được giữ vững và nâng cao. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục được cải thiện và từng bước hiện đại.

Tuy nhiên, Luật Giáo dục hiện hành cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trở thành “nút thắt” trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Quy định về hệ thống giáo dục quốc dân chưa thể hiện được sự gắn kết chặt chẽ giữa các cấp học và trình độ đào tạo; giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; thiếu định hướng phát triển và phân luồng người học từ sau trung học cơ sở. Quy định về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục phổ thông cũng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học…

Do đó, việc sửa đổi Luật Giáo dục là cần thiết, nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để phát triển và hội nhập.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình khẳng định, Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục cũng như mục tiêu xây dựng dự án luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Về hệ thống cơ sở giáo dục, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, việc xác định rõ các loại hình cơ sở giáo dục có ý nghĩa quan trọng trong việc quy hoạch, phân loại và áp dụng pháp luật.

Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu về các loại hình cơ sở giáo dục; xác định những hạn chế, vướng mắc trong pháp luật và khung chính sách; kết hợp với tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng các quy định về hệ thống cơ sở giáo dục phù hợp, bao gồm các quy định về khái niệm, mô hình tổ chức, hoạt động, khung pháp lý áp dụng…

Về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, Báo cáo thẩm tra nêu rõ, các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung về nhà giáo trong dự thảo luật chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, vẫn chỉ là những quy định chung, chưa rõ yêu cầu và chính sách. Các quy định về vị thế, vai trò; điều kiện, tiêu chuẩn; nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn; sự đãi ngộ, tôn vinh còn chồng chéo.

Vì vậy, Ban soạn thảo cần rà soát, sửa đổi Chương Nhà giáo một cách căn cơ, tiếp tục khẳng định rõ vị thế của nhà giáo trong luật; quy định đầy đủ, cụ thể hơn hệ thống chính sách tương xứng với vị thế đã được xác định...

Đối với chính sách lương của nhà giáo, Báo cáo thẩm tra đề nghị bám sát nghị quyết của Đảng để thể chế hóa trong luật, tạo cơ sở để Chính phủ xây dựng các đề án về cải cách tiền lương. Đồng thời, nghiên cứu để bổ sung và làm rõ hơn trong dự thảo luật các quy định liên quan đến cán bộ quản lý giáo dục, bao gồm các quy định về về khái niệm, tiêu chuẩn, chế độ đãi ngộ và đào tạo, bồi dưỡng...

Làm rõ mối liên hệ giữa an ninh mạng và an ninh quốc phòng


Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật An ninh mạng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành luật, đồng thời đề nghị làm rõ tính hợp hiến, tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật; rà soát để bảo đảm phù hợp với pháp luật quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.



Một số ý kiến không tán thành ban hành luật và đề nghị sửa đổi Luật An ninh quốc gia, Luật An Toàn thông tin mạng hoặc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành 2 luật này; ý kiến khác đề nghị hợp nhất dự thảo luật này với Luật An toàn thông tin mạng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, không gian mạng là môi trường đặc thù, có những yêu cầu, nội dung riêng về phòng ngừa, đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nên việc sửa đổi, bổ sung Luật An ninh quốc gia không thể quy định chi tiết, cụ thể đối với hoạt động này trên không gian mạng.

Còn đối với Luật An toàn thông tin mạng tuy có một số quy định liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nhưng chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội... Ý kiến đề nghị hợp nhất dự thảo luật này với Luật An toàn thông tin mạng là không khả thi trong tình hình hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, cần thống nhất quan điểm coi an ninh mạng là một nội hàm trong an ninh quốc gia và quốc phòng. An ninh mạng phải có mối liên hệ mật thiết với an ninh - quốc phòng thì mới có thể giải quyết được các vấn đề liên quan.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) đề nghị cần cân nhắc một số điều khoản để tránh chồng chéo không cần thiết, tạo ra quá nhiều rào cản, gia tăng gánh nặng với doanh nghiệp, cản trở sự sáng tạo, hạn chế lợi ích chính đáng của người dân Việt Nam. Các cơ quan tổ chức nước ngoài khi cung cấp dịch vụ mạng phải đặt trụ sở, văn phòng đại diện tại Việt Nam là khó khả thi, không phù hợp thực tiễn, khó khăn cho hoạt động tiếp cận thông tin của người Việt Nam.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy cũng dẫn cam kết WTO và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU quy định dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là không giới hạn, trừ một số trường hợp cụ thể; nhưng các trường hợp loại trừ cũng không có đặt văn phòng đại diện, cơ quan đại diện tại quốc gia sử dụng dịch vụ, nên quy định như dự thảo luật sẽ không đúng với cam kết quốc tế...

Toàn bộ các ý kiến tại phiên thảo luận sẽ được Ban soạn thảo ghi nhận nhằm hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội nghe và thảo luận hai dự án luật quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.