Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phấn đấu đưa nông nghiệp Việt Nam vào tốp 15 nước phát triển nhất thế giới trong 10 năm tới

TTXVN - Phương Nguyên| 31/07/2018 07:08

(HNM) - Sáng 30-7, lần đầu tiên, Hội nghị toàn quốc quy mô lớn nhất từ trước đến nay về “Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp” đã được Chính phủ tổ chức tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Hội nghị có sự tham gia của các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và hơn 800 đại biểu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng tại hội nghị “Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”. Ảnh: TTXVN


Gần 50 nghìn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có 49,6 nghìn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm cả sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản, các dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, trong đó trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp là 7.600 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm.

Năm 2017, Việt Nam có 9 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2018, nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu cao như: Thủy sản đạt hơn 3,9 tỷ USD; cà phê đạt 2 tỷ USD; rau quả đạt 2 tỷ USD; gạo đạt 1,8 tỷ USD; hạt điều đạt 1,7 tỷ USD... Tuy nhiên, nhìn chung ngành Nông nghiệp nước ta vẫn còn phát triển thiếu bền vững; năng suất, chất lượng, hiệu quả chưa cao; sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, quy mô nhỏ; đầu tư cho nông nghiệp còn thấp; ứng dụng khoa học - công nghệ còn chậm; sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết; thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định…

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, một yêu cầu cần đặt ra là phải chỉ rõ các giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp; tạo dựng được các thương hiệu Việt có uy tín trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó là những giải pháp bảo đảm thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật, những cam kết quốc tế cũng như trách nhiệm bảo vệ môi trường; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện các chính sách xã hội, đặc biệt là bảo đảm lợi ích của người nông dân đã đóng góp đất đai cho doanh nghiệp...

Cắt giảm 50% thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đặc thù của Việt Nam là quốc gia “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, dân số đông, 70% dân số Việt Nam làm trong ngành Nông nghiệp, nhưng GDP trong lĩnh vực này chỉ chiếm 18%.

Tán thành những ý kiến đại biểu nêu ra về hạn chế trong ngành Nông nghiệp, Thủ tướng chỉ rõ, việc phát triển doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn rất khiêm tốn. “Thiếu thành phần doanh nghiệp thì khó hình thành nền sản xuất lớn của nông nghiệp Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Hiện doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, trừ một số nhỏ có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Năng suất lao động nông nghiệp còn thấp, bình quân 38% năng suất lao động bình quân cả nước. Chỉ có 5% số doanh nghiệp đã được cấp tiêu chuẩn VietGAP và tương đương. Từ nhận định đó, Thủ tướng đưa ra một tầm nhìn và mục tiêu phát triển cho ngành Nông nghiệp Việt Nam trong thời đại 4.0: Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải cùng nhau chung sức để đưa Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản. Thủ tướng đặt hàng cho ngành Nông nghiệp trong 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam đứng vào nhóm 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới. Nông nghiệp Việt Nam phải là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới; là một trung tâm xúc tiến thương mại nông sản toàn cầu.

Để thực hiện được các mục tiêu này, Thủ tướng chỉ rõ “vấn đề cốt lõi vẫn là sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tư cho ngành Nông nghiệp”. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tổ chức thực hiện tốt Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là khắc phục tình trạng chỉ chú trọng hỗ trợ đầu vào là chính mà chưa hỗ trợ đầu ra.

Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đất đai, ổn định quỹ đất; cắt giảm 50% thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; sửa đổi, đơn giản hóa các thủ tục về thuế. Đồng thời nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thúc đẩy cạnh tranh, hiệu quả theo cơ chế kinh tế thị trường; trong đó chú ý đến 3 lĩnh vực sản xuất đứng vào tốp 5 của thế giới, đó là rau củ quả, thủy hải sản, dược liệu và một số mặt hàng thế mạnh khác như tôm, gạo. Thủ tướng cũng chỉ đạo đổi mới cơ chế hỗ trợ xúc tiến thương mại để doanh nghiệp từng bước chủ động về thị trường; đặc biệt quan tâm đến thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU…

Một trong những vấn đề mới được Thủ tướng chỉ đạo lần này là nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình; mở rộng đối tượng hưởng chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; cho phép sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay của các dự án, phương án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phấn đấu đưa nông nghiệp Việt Nam vào tốp 15 nước phát triển nhất thế giới trong 10 năm tới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.