Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trao đổi kinh nghiệm tổ chức phiên giải trình giữa hai kỳ họp

Vũ Thủy Ảnh: Hữu Tiệp| 30/08/2018 13:14

(HNMO) - Sáng 30-8, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực HĐND thành phố với Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã quý III-2018 và thảo luận chuyên đề

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà chủ trì hội nghị. Các đồng chí: Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng dự.

Quang cảnh hội nghị.


Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức 3 phiên giải trình; Thường trực HĐND 15 quận, huyện, thị xã đã tổ chức được 29 phiên giải trình. Nội dung các phiên giải trình liên quan đến các vấn đề kiến nghị của cử tri, các vấn đề qua khảo sát, giám sát của HĐND các cấp, như: Việc thực hiện các quy định pháp luật trong thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải y tế và quản lý hồ nước khu vực nội thành; việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội, Quy tắc ứng xử nơi công cộng và một nội dung về công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn TP Hà Nội; tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP Hà Nội; duy trì trật tự đô thị theo tiêu chí "Văn minh đô thị"; công tác quản lý vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới... Trong đó, Thường trực HĐND các quận, huyện: Hoàng Mai, Thường Tín, Phú Xuyên, Phúc Thọ tổ chức được nhiều phiên giải trình, sau đó có kết luận kiến nghị các cơ quan thực hiện có chuyển biến tích cực.

Trao đổi tại hội nghị, theo kinh nghiệm của Ban Pháp chế, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố và Thường trực HĐND các quận, huyện: Hoàng Mai, Long Biên, Ba Đình, Gia Lâm, Phúc Thọ..., việc lựa chọn nội dung phiên giải trình có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành công của mỗi phiên họp giải trình. Các vấn đề đưa ra giải trình phải là những vấn đề cấp bách, bức xúc, nổi cộm tại địa phương; những vấn đề còn bất cập, hạn chế thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước cần có những giải pháp, phương hướng khắc phục; những vấn đề có tác động lớn đến việc phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Sau khi thống nhất được nội dung giải trình, Thường trực HĐND ban hành chương trình, kế hoạch và phân công cụ thể đối với các ban và văn phòng rõ người, rõ việc, rõ đầu mối, rõ đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp. Cùng với đó, công tác khảo sát, thu thập thông tin cần đặc biệt coi trọng, triển khai sớm và phối hợp xây dựng video clip về nội dung giải trình. Để lan tỏa và tiện cho cử tri theo dõi, giám sát, các phiên giải trình nên truyền thanh trực tiếp.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh về sự quan trọng của phiên giải trình trong đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố đề nghị, các đơn vị chưa tổ chức phiên giải trình sớm có kế hoạch tổ chức vào quý III và quý IV-2018. Trong đó, nội dung cần chọn các vấn đề "nóng" ở địa phương như, công tác quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai, môi trường, xây dựng nông thôn mới... Sau phiên giải trình có kết luận, kiến nghị UBND cùng cấp chỉ đạo thực hiện; tái giám sát việc thực hiện các kết luận phiên giải trình.

"Đây là vấn đề quan trọng, nếu các đơn vị không thực hiện kết luận phiên giải trình, thì kiến nghị với cấp ủy, chính quyền để yêu cầu xử lý, đồng thời làm căn cứ trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm" - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trao đổi kinh nghiệm tổ chức phiên giải trình giữa hai kỳ họp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.