Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cán bộ cấp chiến lược phải thật sự tiêu biểu

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 27/12/2018 06:40

(HNM) - Cùng với việc triển khai lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và một số vấn đề quan trọng khác, Hội nghị Trung ương 9 xem xét, thảo luận quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021-2026.

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội:
Cán bộ cấp chiến lược phải thật sự tiêu biểu

Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII có ý nghĩa rất quan trọng khi tiến hành một bước quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư. Đây đều là những công việc liên quan đến đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Nói quan trọng là vì, sau khi có chủ trương, chính sách đúng, thì khâu quyết định thắng lợi là ở cán bộ.

Trong đó, trước hết là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, bởi cán bộ chức vụ càng cao, quyền lực càng lớn càng phải tiên phong về bản lĩnh chính trị, trí tuệ và đạo đức, lối sống. Do đó, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ là căn cứ quan trọng giúp mỗi đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư tự liên hệ, tự so sánh, đối chiếu để thấy năng lực, tín nhiệm của mình ở mức độ nào, từ đó có giải pháp để phát huy hơn nữa những ưu điểm và khắc phục những khuyết điểm, hạn chế.

Đây cũng chính là một căn cứ quan trọng để Trung ương lựa chọn cán bộ cấp chiến lược trong thời gian tới. Còn việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, tôi cho rằng là việc rất hệ trọng. Sau hội nghị lần này, có lẽ phải tiếp tục theo dõi, sàng lọc để bảo đảm chắc chắn, những đồng chí được quy hoạch vào Ban Chấp hành Trung ương khóa tới phải là những người tiêu biểu.

Ông Đỗ Văn Thân, nguyên Bí thư Quận ủy Hà Đông:
Tăng cường thử thách, rèn luyện cho cán bộ được quy hoạch


Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm tại Hội nghị lần thứ chín là Ban Chấp hành xem xét, thảo luận quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026. Qua theo dõi về thông tin của hội nghị, tôi rất vui mừng khi thấy công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được triển khai một cách bài bản, chặt chẽ.

Đặc biệt, Trung ương Đảng đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng và các cơ quan tham mưu. Mong rằng, những nhân sự sau khi quy hoạch sẽ được các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục giao nhiệm vụ, tăng cường thử thách, rèn luyện, đồng thời gắn quy hoạch với luân chuyển, đánh giá đúng cán bộ...

Còn hơn 2 năm nữa sẽ đến Đại hội Đảng, do vậy các tổ chức, cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị cần thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện những trường hợp không đủ tiêu chuẩn để đưa ra khỏi quy hoạch; bổ sung những nhân sự mới đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào quy hoạch.

Ông Cấn Đỗ Hiệp, 52 năm tuổi Đảng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai:
Cán bộ thường xuyên phải nêu gương


Những năm qua, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, khơi dậy các phong trào nêu gương trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo. Mới đây nhất, ngày 25-10-2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Là một đảng viên, tôi luôn tin tưởng vào công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ các cấp, đặc biệt là cấp chiến lược.

Mong rằng các đồng chí được quy hoạch vào Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện và thường xuyên nêu gương để cán bộ cấp dưới, nhân dân học tập, noi theo.

Bà Trương Thị Thạch, 55 năm tuổi Đảng, phường Định Công, quận Hoàng Mai:
Cần giám sát cán bộ trong quy hoạch để tiếp tục sàng lọc

Tôi rất tâm đắc với phương châm quy hoạch cấp chiến lược của Trung ương Đảng là phải gắn chặt với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đất nước. Do đó, cần sàng lọc, lựa chọn những cán bộ có phẩm chất đạo đức, lối sống, có năng lực, có khát vọng đổi mới, vì sự phát triển đất nước.

Sau khi chọn được cán bộ đạt tiêu chuẩn, cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát, không để lọt những cán bộ có khuyết điểm như suy thoái đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bản thân và gia đình không gương mẫu chấp hành đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Tiếp đó, giao nhiệm vụ để cán bộ trong quy hoạch được thử thách, có nhiều cơ hội rèn luyện, có sự giám sát từ nhiều phía nhằm đạt mục tiêu chọn được những cán bộ thực sự ưu tú.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cán bộ cấp chiến lược phải thật sự tiêu biểu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.