Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngô Quyền và sự nghiệp trung hưng đất nước

Nguyễn Thanh| 26/03/2019 07:50

(HNM) - Thiết thực kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa (939-2019), ngày 25-3, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Ngô Quyền và sự nghiệp trung hưng đất nước”.

Lăng Ngô Quyền tại xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Thái Hiền



Vị Anh hùng nối lại quốc thống cho dân tộc Việt

Lịch sử ghi lại, Ngô Quyền sinh năm 898 trong một gia đình “đời đời là quý tộc”, có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm. Nhờ mưu trí và tài cầm quân xuất chúng, ông được Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ yêu mến, cho làm rể quý, cai quản vùng đất Ái Châu. Năm 937, Dương Đình Nghệ bị thuộc tướng là Kiều Công Tiễn giết hại, đoạt chức khiến trong dân oán thán và ngoài bờ cõi giặc giã thừa cơ xâm lấn. Trước nguy cơ này, năm 938, Ngô Quyền từ vùng Ái Châu đem quân ra đánh Kiều Công Tiễn rửa thù rồi tiến ra cửa biển Bạch Đằng đón quân xâm lược. Dựa vào thủy triều cùng kế sách cắm cọc lòng sông vây hãm quân giặc, Ngô Quyền đã giành đại thắng trên sông Bạch Đằng. Ngay sau chiến thắng, ông tiến về Loa Thành (thành Cổ Loa, huyện Đông Anh ngày nay), cắt đứt mọi quan hệ lệ thuộc với nước ngoài bằng việc xưng Vương, xây dựng nhà nước tự chủ, độc lập.

Với những dấu ấn quan trọng này của thời kỳ Ngô Quyền, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng: Sau hơn nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc, lần đầu tiên một hào trưởng đất Đại Việt (thủ lĩnh địa phương) đã đàng hoàng, đĩnh đạc đứng lên khẳng định quyền độc lập, tự chủ cho dân tộc ở đẳng cấp một quốc gia với kinh đô, triều đình, nhân sự và chế độ triều chính riêng biệt. Điều này không chỉ đặt dấu mốc quan trọng về thời kỳ trung hưng đất nước mà còn xóa bỏ được sự phân tán, thậm chí co cụm, cát cứ của giai đoạn hào trưởng trước đây.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Việt Nam khẳng định: Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 không chỉ chấm dứt hoàn toàn cuộc đô hộ kéo dài nhiều thế kỷ của Đại Hán mà còn khẳng định đỉnh cao nghệ thuật quân sự trên sông, trở thành nguồn cảm hứng cho các trận thủy chiến sau này của Lê Hoàn và Trần Hưng Đạo. Việc Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa năm 939 cũng cho thấy, Tiền Ngô Vương ý thức rất rõ việc quốc thống, nối nghiệp của các vua Hùng, vua Thục, từ đó cho thấy Ngô Quyền xứng với vị thế là Tổ trung hưng của dân tộc Việt.

Phát huy giá trị di sản thời kỳ Ngô Quyền

Thời kỳ Ngô Quyền (938-965) dẫu không dài nhưng là giai đoạn vô cùng quan trọng khi đặt dấu chấm hết cho hơn nghìn năm Bắc thuộc và mở ra thời kỳ trung hưng đất nước. Các di sản của thời kỳ này có ý nghĩa đặc biệt trong việc khẳng định hơn nữa thân thế, sự nghiệp, vai trò của vua Ngô Quyền trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tuy nhiên, do thời gian của triều Ngô chỉ kéo dài gần 30 năm cộng thêm những tác động của thời gian, khí hậu, các di tích của Vương triều Ngô tại Cổ Loa nói riêng và cả nước nói chung còn rất ít và khá mờ nhạt.

Theo Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội Lưu Minh Trị, hầu hết di tích liên quan đến thời kỳ Ngô Quyền trên phạm vi cả nước là các đền thờ, lăng mộ, bia ký… xuất hiện muộn nhằm tôn vinh công lao của Ngô Quyền. Ký ức dân gian có nhắc đến “Giếng Ngô Quyền” ở trước cửa Nam thành Nội, khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa song chưa thể trở thành nguồn căn cứ sử liệu vững chắc.

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho hay: Ngay tại Cổ Loa, các cuộc khai quật nghiên cứu cũng chưa phản ánh được dấu tích thành lũy Cổ Loa nào được đắp thêm vào thời kỳ Ngô Quyền. Riêng khu vực di tích Mả Tre (thuộc phía Bắc thành Cổ Loa) có phát lộ các đồ gốm mang dấu tích văn hóa thế kỷ X, tương ứng với các thời kỳ Khúc - Dương - Ngô - Đinh - đầu Tiền Lê, cũng chỉ khẳng định được đây là một di chỉ cư trú quan trọng của cư dân Cổ Loa, bao gồm cả thời Ngô Quyền đóng đô ở đây.

Với thực trạng này, nhiều đại biểu tại hội thảo đã kiến nghị thành phố có thêm giải pháp để khôi phục, phát huy giá trị di sản Ngô Quyền trong đời sống đương đại. Phó ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm Nguyễn Trọng An đề xuất: Trên địa bàn Hà Nội có hai điểm di tích quan trọng gắn với người Anh hùng Ngô Quyền là đình, đền thờ Ngô Quyền ở Thượng Tiết, Mỹ Đức và đền, lăng Ngô Quyền ở Đường Lâm, Sơn Tây. Những di tích này rất cần được trùng tu, tu bổ. Cùng với đó, thành phố có thể tạo dựng công trình văn hóa - lịch sử tôn vinh Ngô Quyền ở Cổ Loa. Làm được như vậy, trên địa bàn Hà Nội sẽ có 3 địa chỉ tôn vinh Ngô Quyền gắn với quê hương, nơi ghi dấu dừng chân trên đường chống quân Nam Hán và nơi ông xưng Vương, đóng đô.

Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Cần xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại khu vực Cổ Loa để ghi nhớ công lao, giáo dục truyền thống lịch sử. Có thể đặt công trình này trên nền đất khu vực Mả Tre, nơi phát lộ dấu tích, hiện vật có liên quan tới thời kỳ Ngô Quyền. Việc đặt 2 đền thờ An Dương Vương và Ngô Quyền cùng trên mảnh đất Cổ Loa sẽ mang lại ý nghĩa đặc biệt trong việc tiếp nối câu chuyện lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Được biết, trong ngày 7-3 vừa qua, Hội đồng Tư vấn khoa học, nghiên cứu, bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội cũng đã có kiến nghị với UBND thành phố về việc xây dựng đền thờ Ngô Quyền ở Cổ Loa. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã kết luận, giao Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội nghiên cứu, đề ra phương hướng, tiến tới hiện thực hóa đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngô Quyền và sự nghiệp trung hưng đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.