Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại đoàn kết toàn dân tộc - yếu tố quyết định thành công

Đỗ Mạnh Cường| 30/04/2019 07:33

(HNM) - Cách nay 44 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, non sông liền một dải. Có nhiều nhân tố làm nên thắng lợi vĩ đại ấy, trong đó sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố đặc biệt quan trọng, cần được phát huy trong giai đoạn hiện nay.

Người dân Sài Gòn chào đón bộ đội giải phóng sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu


1. Như chúng ta đã biết, sau khi thế chân thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, thành căn cứ quân sự để ngăn chặn phong trào cộng sản đang phát triển mạnh mẽ ở Đông Dương và Đông Nam Á. Tuy nhiên, với tinh thần “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Đặc biệt hơn là thực hiện “Lời kêu gọi” chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (17-7-1966) với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân dân miền Bắc đã kết thành một khối, đẩy mạnh các phong trào thi đua sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Các phong trào như: “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng” và các khẩu hiệu hành động: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Lớp cha trước, lớp con sau, đã thành đồng chí chung câu quân hành”... lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ; bảo vệ vững chắc hậu phương miền Bắc, đồng thời liên tục chi viện ngày càng nhiều về sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và các chiến trường phối hợp khác.

Trong khi đó, tại miền Nam, quân dân các địa phương đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và binh vận trên khắp ba vùng chiến lược: Rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị. Đặc biệt, ngay giữa vòng vây của địch, nhân dân các giới, các tôn giáo đã đoàn kết, sáng tạo, xây dựng nhiều phương thức đấu tranh, hình thành nhiều phong trào đấu tranh đô thị để tạo dựng thế trận chiến tranh nhân dân... Qua đó, đánh thắng từng bước các chiến lược chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, mở ra thời cơ thuận lợi để thống nhất đất nước.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973), tình hình thế giới và trong nước có nhiều thay đổi. Các nước lớn có những động thái thỏa hiệp lẫn nhau, viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam giảm dần. Tuy nhiên, Đảng ta vẫn kiên trì đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

Trong đó, con đường giải phóng miền Nam tiếp tục là con đường cách mạng bạo lực. Sự kiên định chủ trương giải phóng miền Nam bằng con đường bạo lực được khẳng định tại Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (tháng 7-1973) đã thổi luồng sinh khí mới vào phong trào cách mạng cả nước.

Nghị quyết Hội nghị 21 đã xóa tan những ảo tưởng về thiện chí của kẻ thù trong thực hiện Hiệp định Paris, củng cố quyết tâm siết chặt đội ngũ ở hai miền đất nước, động viên được tối đa sức mạnh của cả dân tộc vào trận quyết chiến chiến lược, đập tan mọi cố gắng cuối cùng của đối phương. Bằng ba đòn tiến công chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4-3 đến 24-3-1975), Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng (từ 21-3 đến 29-3-1975) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26-4 đến 30-4-1975), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã kết thúc thắng lợi, non sông thu về một mối.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thắng lợi của đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng. Hơn nữa, Đại thắng mùa Xuân 1975 còn là sự hội tụ sức mạnh của quân dân cả nước. Đó là sự tiếp nối tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công” của lãnh tụ Hồ Chí Minh, được Đảng ta dày công xây dựng, bồi đắp và phát huy trong toàn bộ quá trình lãnh đạo cách mạng.

2. Ngày nay, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta là tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao vị thế đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân. Muốn thực hiện được nhiệm vụ đó, chúng ta cần phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố. Trong đó, bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc của chiến thắng 30-4-1975 vẫn vẹn nguyên ý nghĩa thời sự, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Để làm tốt điều này, trước tiên chúng ta cần quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”. Trên cơ sở đó, tích cực chăm lo xây dựng và củng cố “thế trận lòng dân” bằng những chủ trương, chính sách đồng bộ, hợp lòng dân cả về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những thủ đoạn thâm độc của các thế lực nhằm phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hơn nữa, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc của chiến thắng 30-4-1975 vào xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn hiện nay cần phải được thể hiện rõ trong Đảng, trong nhân dân và phải thấu suốt từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.

Theo đó, chúng ta phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05/CT-TƯ của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phải làm cho mọi tổ chức Đảng, mọi đảng viên luôn trở nên trong sạch thì mới có thể đảm đương được vai trò hạt nhân nòng cốt xây dựng tình đoàn kết trong Đảng và trong nhân dân, mới tập hợp được sức mạnh của toàn dân tộc hướng vào các nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam.

Cùng với đó, cần tiếp tục siết chặt kỷ luật của Đảng, không ngừng củng cố năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, xử lý nghiêm các đảng viên vi phạm để lấy lại niềm tin của nhân dân vào Đảng. Ngoài ra, mọi hành động, hành vi xuyên tạc, hòng xâm hại, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc đều phải bị lên án và xử lý nghiêm khắc.

Phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc của chiến thắng 30-4-1975 vào xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn hiện nay vẫn là một nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trên tinh thần đó, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cần tiếp tục nêu cao truyền thống yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức”, “là văn minh”; thực hiện toàn dân đoàn kết một lòng, biến mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành hiện thực để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại đoàn kết toàn dân tộc - yếu tố quyết định thành công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.