Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Nóng" chuyện tội phạm, gian lận thi cử

Hương Ly - Hiền Chi| 23/05/2019 06:55

(HNM) - Đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, những tháng đầu năm 2019, song tại phiên thảo luận ở tổ ngày 22-5, các đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ những bất cập, hạn chế, như tình trạng tội phạm, gian lận thi cử, vi phạm trật tự an toàn giao thông...


Thực thi không tốt, không "đổ thừa" cho luật

Thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất cho rằng, kết quả này có được là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt và bám sát thực tiễn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, HĐND các cấp.

Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Đoàn Cần Thơ) đánh giá, điểm sáng trong báo cáo của Chính phủ là nợ công Việt Nam tới cuối năm 2018 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua (ở mức 58,4% GDP). Kết quả này là do tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, mức cao nhất trong 11 năm gần đây, chính sách tài khóa tốt, nguồn thu tăng nên áp lực phải huy động thêm để chi ngân sách giảm. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, nên khi kinh tế thế giới biến động, chắc chắn sẽ tác động tới Việt Nam, trong đó cần xem xét kỹ tác động tiêu cực.

Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ sự băn khoăn trước tình trạng giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; đầu tư theo hình thức PPP, BOT, BT trong ngành Giao thông gặp nhiều khó khăn… Vì vậy, thời gian tới, việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát phải là ưu tiên hàng đầu. Chính phủ cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thu hút có chọn lọc vốn đầu tư nước ngoài. Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, có nhiều vướng mắc hiện nay là do tổ chức thực thi không tốt, chứ không “đổ thừa” cho luật được.

Một trong những vấn đề kinh tế nóng bỏng được nhiều đại biểu quan tâm là việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện thêm 8,36%. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Nghệ An) nhấn mạnh, cử tri không biết cách tính giá, nhưng biết tăng giá sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và cho rằng, so sánh với giá cả khác thì việc tăng giá điện không hợp lý. Đại biểu đề nghị, Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán giá điện và giá xăng dầu, thông tin công khai cho cử tri.

Liên quan đến vấn đề giá điện, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng, các cơ quan liên quan cần tuyên truyền tốt hơn, đưa thông tin chính sách một cách hợp lý, có lộ trình thực hiện phù hợp để nhân dân hiểu và đồng thuận.

Quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội


Tại phiên thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến tình trạng gian lận thi cử gia tăng. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, các vụ gian lận thi cử xảy ra tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đến nay đã gần một năm. Dù Bộ Công an đã vào cuộc tích cực, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương liên quan dường như thiếu quyết liệt trong xử lý.

“Báo cáo của Chính phủ có nêu, quyết tâm không để xảy ra gian lận thi cử trong năm 2019. Nhưng cử tri lo ngại, gian lận thi cử sẽ quay trở lại với hình thức khác, quy mô khác, đối tượng khác vì cái gốc của vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Đó là việc tổ chức thi, hình thức thi, cách quản lý, cách chấm điểm... còn nhiều bất cập. Tất cả những vấn đề này phải được giải quyết tích cực, quyết liệt thì mới “dập tắt” được gian lận thi cử”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm.

Bày tỏ sự lo lắng về tình hình tội phạm trong xã hội, đại biểu Bùi Mậu Quân (Đoàn Hải Dương), cho rằng tội phạm những năm gần đây diễn biến rất phức tạp. Những vụ án giết người hàng loạt, giết người thân đã khiến dư luận xã hội lo lắng, bức xúc. Đặc biệt, các vụ buôn bán ma túy gần đây được phát hiện đều có số lượng lớn, dù pháp luật đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc. Đại biểu cũng đề xuất, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa tới vấn đề tội phạm trên mạng; siết chặt quản lý và chế tài xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, đào tạo lái xe để hạn chế tiêu cực nảy sinh.

Bày tỏ lo ngại trước vấn nạn xâm hại trẻ em và quấy rối tình dục đối với phụ nữ, trẻ em gia tăng, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) nhìn nhận: "Ai cũng muốn nói về xã hội tốt đẹp nhưng sự thật vẫn xảy ra những sự việc ghê sợ”.

Đại biểu đề nghị làm rõ quy định xử phạt hành chính đối với trường hợp người đàn ông “cưỡng hôn” cô gái trẻ trong thang máy chỉ bị phạt 200.000 đồng, đồng thời làm rõ trách nhiệm của lực lượng công an trong xử lý hành vi sai phạm đã tốt hay chưa? Nữ đại biểu cũng cho rằng, những vụ việc xâm hại trẻ em dẫn đến tử vong cần được xem xét, xử lý nghiêm minh.

Chung quan điểm này, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) kiến nghị, cùng với các giải pháp phát triển kinh tế, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội. “Chúng ta mừng với con số tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, nhưng cái xấu lại đang có nguy cơ tác động lớn, ảnh hưởng đến những giá trị đạo đức tốt đẹp. Đây là những vấn đề cần giải quyết căn cơ”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Nóng" chuyện tội phạm, gian lận thi cử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.