Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sôi động, thiết thực, gắn với đời sống nhân dân

Hương Ly| 16/06/2019 06:47

(HNM) - Sau 20 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình nghị sự. Các phiên họp, thảo luận và chất vấn luôn sôi động với những vấn đề thiết thực, gắn bó mật thiết với đời sống, kinh tế, xã hội.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Không khí làm việc dân chủ, trách nhiệm

Mặc dù chương trình nghị sự của kỳ họp thứ bảy chỉ kéo dài 20 ngày, song Quốc hội đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước. Chương trình làm việc được bố trí hợp lý, có sự điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu thực tế, bảo đảm đúng nguyên tắc; không khí làm việc dân chủ, trách nhiệm, xây dựng…

Nét nổi bật trong kỳ họp này là công tác xây dựng pháp luật với việc Quốc hội thông qua 7 dự án luật và 10 nghị quyết, là cơ sở cho công tác quản lý, điều hành, tạo thể chế phát triển đất nước theo hướng bền vững. Một trong những điểm nhấn của kỳ họp là phiên thảo luận kéo dài 1,5 ngày về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Hàng trăm ý kiến phát biểu và tranh luận của các đại biểu tại phiên họp đã đi sâu tìm căn nguyên, giải quyết các vấn đề được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

Đáng chú ý, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thảo luận sôi nổi. Quốc hội đã xin ý kiến riêng các đại biểu về quy định "đã uống rượu không được lái xe" trước khi biểu quyết thông qua dự luật. Điều đó cho thấy, Quốc hội đã cẩn trọng, dân chủ, trách nhiệm trước những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau; đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân dân và các đại biểu Quốc hội trước tình hình tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng thời gian qua.

Do đó, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đã được Quốc hội thông qua; trong đó có quy định cụ thể: Nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh), việc đưa quy định này vào luật khẳng định thái độ quyết liệt trước vấn nạn tai nạn giao thông do uống bia, rượu gây ra.

Sự cẩn trọng, trách nhiệm cũng thể hiện qua việc Quốc hội thảo luận về Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trước những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, Chính phủ đã lắng nghe, tiếp thu và chính thức xin rút quy định: “Bổ sung Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7 là nghỉ lễ hằng năm” khỏi dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Chất vấn sôi nổi, bám sát thực tiễn cuộc sống

Tiếp nối các kỳ họp trước, hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ bảy tiếp tục được đổi mới, với việc Quốc hội lần đầu áp dụng trí tuệ nhân tạo, giúp việc điều hành của chủ tọa chính xác, hiệu quả hơn. Với 230 lượt đại biểu tham gia chất vấn và tranh luận về những vấn đề "nóng" như: Việc gia tăng các vụ án ma túy với số lượng lớn; công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý các dự án đầu tư xây dựng; vấn đề lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi… Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, 4 bộ trưởng và các thành viên Chính phủ cùng tham gia giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu nêu. Các thành viên Chính phủ cũng đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những bất cập còn tồn tại.

Theo dõi sát phiên chất vấn, cử tri Vũ Văn Đồng (phường Long Biên, quận Long Biên) nhận xét: Thông qua những câu hỏi chất vấn ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung cần hỏi, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình. Các câu trả lời chưa thỏa đáng đều được tranh luận thẳng thắn với không khí dân chủ và xây dựng...

Theo đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn Hà Nội) mặc dù đây là kỳ họp có thời gian ngắn, nhưng đã chuyển tải được nhiều nội dung quan trọng. Với phương thức hỏi nhanh, đáp gọn, các trưởng ngành đã đi thẳng vào vấn đề chất vấn, đồng thời tranh luận làm rõ thêm nhiều vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm. Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Đoàn Bình Phước) cũng nhận xét, tinh thần dân chủ được phát huy cao tại kỳ họp. Các nội dung được bàn thảo, tranh luận sôi nổi để đi đến giải pháp cuối cùng. Khi những vấn đề tranh luận chưa ngã ngũ, Quốc hội đã lấy ý kiến các đại biểu để quyết định theo đa số với phương án tốt nhất, có lợi cho đất nước, cho nhân dân…

Để tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội đã thống nhất lựa chọn chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Không tự bằng lòng với kết quả các chuyên đề đã giám sát, các đại biểu mong muốn mỗi chương trình giám sát chuyên đề tiếp theo phải thực sự có chất lượng, chỉ rõ căn nguyên của các tồn tại để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khắc phục.

Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ bảy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ghi nhận sự tham gia tích cực, trí tuệ, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội. Sau kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, qua mỗi kỳ họp lại khẳng định, hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, bám sát thực tiễn của đời sống. Quốc hội bày tỏ lòng cảm ơn đối với sự tin tưởng, quan tâm, chia sẻ của đồng bào, cử tri cả nước và mong muốn tiếp tục nhận được sự đóng góp ý kiến, để Quốc hội nói riêng, bộ máy nhà nước nói chung hoạt động thực sự hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sôi động, thiết thực, gắn với đời sống nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.