Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp

Thành Tâm| 27/06/2019 08:42

(HNMO) - Ngày 27-6, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg (ngày 22-4-2019) của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN


Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố. Tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung tham dự.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và đông đảo quần chúng, nhân dân đã vào cuộc tích cực trong công tác đấu tranh, phòng, chống tệ nạn tham nhũng.

Công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến rõ rệt và có sự chuyển biến tích cực, thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, tổ chức và cơ chế lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được hoàn thiện.

Công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã có chuyển biến tích cực, nhất là việc phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án lớn, được xã hội quan tâm, đồng tình, ủng hộ, góp phần quan trọng giữ vững sự ổn định chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Tuy nhiên, ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân, doanh nghiệp để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định.

Tình trạng tham nhũng vặt biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn "lót tay", "chạy chọt" để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền vẫn còn nhức nhối, gây bức xúc đối với người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức. Tình trạng đó cần sớm chấm dứt.

Ngày 22-4-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 10/CT-TTg về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng và có những biện pháp, nội dung chỉ đạo quyết liệt, mang tính đột phá; đề cao tính kỷ luật, kỷ cương về tinh thần phục vụ; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; thể hiện thái độ cương quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng.

Việc phổ biến, quán triệt rộng rãi chỉ thị này có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện hiệu quả, đưa các nội dung của chỉ thị đi vào cuộc sống, tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Qua đó, tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng bộ máy hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hành chính kỷ cương, liêm chính; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại hội nghị, đại biểu các địa phương, ngành đã có nhiều tham luận, chia sẻ thực trạng, kết quả, kinh nghiệm và những giải pháp trong phòng, chống tham nhũng, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà.

Hà Nội xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, những năm qua, thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, kịp thời, các chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành trung ương. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại điểm cầu trực tuyến Hà Nội. Ảnh: KTĐT


Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 07-CTr/TU về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020". Hằng năm, UBND thành phố đều xây dựng kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, kế hoạch công tác thanh tra để chỉ đạo các đơn vị thực hiện. Với những chỉ đạo quyết liệt, công tác phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến và đạt được kết quả bước đầu.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chia sẻ một số giải pháp, biện pháp của thành phố Hà Nội để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Trước tiên, thành phố luôn xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng. 

Thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Thành ủy, UBND thành phố và cấp trên trực tiếp về toàn bộ công việc thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của mình; trực tiếp tiếp công dân, tiếp thu đầy đủ và xử lý, phúc đáp kịp thời, giải trình theo quy định các phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.

Hà Nội đã tổ chức hội nghị toàn thành phố để quán triệt kỷ cương hành chính và phát động phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng" đến tận cán bộ chủ chốt cấp cơ sở.

Ngoài ra, Hà Nội xác định làm tốt công tác cải cách hành chính và công khai minh bạch sẽ giúp ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc. Vì vậy, Thành ủy đã ban hành Chương trình 08-CTr/TU về "Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020".

Thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc đăng ký và giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, Hà Nội có 1.120 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (đạt 62%); nhiều đơn vị đã triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích...

Thành phố cũng thường xuyên thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ, quy tắc giao tiếp ứng xử nơi công sở, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm.

Tuy vậy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, công tác ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của trung ương, nhất là Chỉ thị số 10/CT-TTg (ngày 22-4-2019) của Thủ tướng Chính phủ. 

Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công vụ; tổ chức đối thoại, giải quyết kịp thời, dứt điểm khiếu nại, tố cáo; quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Toàn thành phố tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với việc thực hiện tốt quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. 

Thành phố đề cao vai trò nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các cơ quan, đơn vị, bộ phận trực thuộc theo hướng phải chịu trách nhiệm trực tiếp, chịu kỷ luật liên quan đến lỗi, vi phạm của cấp dưới thuộc trách nhiệm quản lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất về trách nhiệm thực thi công vụ, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm...

Giảm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vòi vĩnh, đòi hối lộ xuống dưới 5%

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao những ý kiến tham luận thẳng thắn, sâu sắc, bày tỏ sự quyết tâm, đồng lòng, đề xuất biện pháp cần thiết để tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cấp, ngành và mỗi cá nhân cùng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện chỉ thị một cách nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả.

Đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh, việc triển khai chỉ thị phải bảo đảm đồng bộ với các biện pháp khác trong lĩnh vực này, phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà.


Các đơn vị, địa phương chú trọng gắn việc quán triệt, tổ chức thực hiện chỉ thị với việc thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ "Về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021"; Quyết định 681/QĐ-TTg ngày 4-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030"; giảm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vòi vĩnh, đòi hối lộ khi giải quyết công việc xuống dưới 5%.

Từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm phù hợp với lĩnh vực quản lý; chủ động nhận diện, tập trung nguồn lực, giải pháp vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra vi phạm; tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên, xử lý nghiêm vi phạm. Việc triển khai thực hiện chỉ thị phải nhanh chóng tạo sự chuyển biến thực chất, tích cực, rõ nét, tiến tới thay đổi căn bản tình hình trong thời gian tới. 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải gương mẫu đi đầu; phải coi phòng, chống tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, phiền hà là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là tiêu chí để đánh giá kết quả thi đua, công tác. Trách nhiệm người đứng đầu có ý nghĩa quyết định đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, đồng chí Trương Hòa Bình cho rằng, cần đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng ngay trong chính lực lượng thực thi công vụ, có cơ chế giám sát với các lực lượng thanh tra.

Từng cơ quan, đơn vị đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với người dân; triển khai ghi hình, có bộ phận theo dõi, giám sát nơi tiếp nhân dân, doanh nghiệp; lấy ý kiến đánh giá, nhận xét của người dân đối với cán bộ; phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng trong phối hợp ngăn chặn, gắn với thực hiện công tác dân vận, thực hiện "Năm dân vận chính quyền 2019".

Các cơ quan, đơn vị cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp để giải quyết dứt điểm; làm tốt việc tiếp nhận, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo; có lỗi phải công khai xin lỗi; tổ chức tiếp, đối thoại với công dân; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.